Thượng tôn pháp luật - nguyên tắc tối thượng của mỗi quốc gia

Thượng tôn pháp luật, đó là vấn đề cơ bản của mỗi quốc gia. Một đất nước khi mà nền pháp chế được tuân thủ nghiêm minh, mọi thành viên trong xã hội (công dân) đều tuân thủ luật pháp, trên cơ sở hiểu đúng và làm đúng pháp luật cũng chính là tự bảo đảm quyền tự do, dân chủ của mình; không có xã hội nào lại có cái quyền tự do tuyệt đối hay tự do vô chính phủ.

Ví dụ, để bảo đảm sự tự do khi tham gia giao thông chính là phải tuân thủ những quy định của luật lệ giao thông và chỉ có như vậy chúng ta mới có một hệ thống giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn, còn nếu tự do tuyệt đối ai muốn đi kiểu gì cũng được, tất nhiên chẳng ai có thể dám tham gia giao thông.

Tương tự như vậy, trên mọi lĩnh vực xã hội đều có những quy định về luật pháp, về đạo đức xã hội nhằm bảo đảm giới hạn của tự do, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi người, cho toàn xã hội và rộng ra cho một quốc gia dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu tồn tại, phát triển trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống lao động, hòa bình, tự do, hạnh phúc cho toàn dân.

Thượng tôn pháp luật là đòi hỏi, là tiêu chí của một chế độ dân chủ, văn minh mà ở nước ta chính là tuân thủ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hệ thống pháp luật luôn mang bản chất của dân, do dân và vì dân; do đó, yêu cầu mọi công dân sống, làm việc đều phải hiểu và tuân thủ pháp luật, bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải chịu chế tài xử lý của luật pháp, không phân biệt đẳng cấp, vị trí, không có vùng cấm và không có ai được phép đứng ngoài luật pháp.

Thế nhưng, những năm qua, cứ mỗi lần có những công dân xem thường luật pháp, sau nhiều lần giáo dục, cảnh báo, răn đe nhằm giúp họ nhận thức đúng, dừng ngay những hành vi vi phạm luật pháp song họ vẫn cố tình vi phạm luật pháp, vi phạm vào Điều 117 “Tội làm, tàng trữ , tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” của Bộ luật Hình sự... như Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trương Châu Hữu Danh... và gần đây là Nguyễn Lân Thắng đã bị cơ quan điều tra khởi tố, Viện Kiểm sát nhân dân phê chuẩn và thực hiện quyền công tố, tòa án đã xét xử đúng người, đúng tội thì lập tức có những tổ chức nước ngoài như HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền ở Mỹ), Việt Tân (một tổ chức phản động chống Nhà nước ta, đã bị Công an Việt Nam xác định là tổ chức khủng bố), một số đài nước ngoài... cùng một số người núp dưới cái gọi là “dân chủ, bảo vệ nhân quyền” trong nước... cho rằng Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ, nhà báo độc lập... và họ dựng nên cái gọi là “tù nhân lương tâm”, để rồi lên án Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, tự do, dân chủ.

Từ những hiện tượng trên, chúng ta càng thấy rõ tính tất yếu phải đấu tranh phản bác mạnh mẽ các hành vi, quan điểm, luận điệu xuyên tạc, xâm phạm luật pháp và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.

Trước hết cần khẳng định, luật pháp của mỗi quốc gia đều phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của quốc gia đó có tính đến cái chung của luật pháp quốc tế, nó bắt nguồn từ cuộc sống đòi hỏi và thể hiện đầy đủ ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân, được đại biểu của họ là cơ quan Quốc hội biểu quyết thông qua theo nguyên tắc đa số. Luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như vậy, tất cả đều đưa ra cho toàn dân tham gia ý kiến và được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành tuyệt đối và sẽ được Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung khi thực tiễn đòi hỏi và cuộc sống đã có những thay đổi; điều đó càng chứng tỏ Nhà nước Việt Nam luôn luôn đổi mới và vận động phát triển theo sự phát triển không ngừng của đất nước và ngày càng phù hợp với những điều chung nhất của luật pháp quốc tế. Do vậy, mọi sự phản đối bác bỏ luật pháp Việt Nam đều là sự thiển cận và không có cơ sở.

Thứ hai, tại sao khi chống đối họ không chống đối các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự mà chỉ tập trung vào hai điều 117 và 331 của bộ luật này? Bởi vì hai điều luật này chủ yếu xử lý những kẻ cố tình chống phá chế độ, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm đến quyền tự do, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, và đặc biệt là xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tức là lợi ích quốc gia dân tộc và chống lại Nhà nước ta. Chẳng có một Nhà nước nào lại để cho bất cứ một cá nhân nào ngang nhiên sản xuất, tích trữ, tán phát tuyên truyền các tài liệu chống lại Nhà nước. Cũng chẳng có Nhà nước nào lại để cho cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân hay tổ chức khác… Một xã hội văn minh không cho phép điều đó xảy ra và với nước ta cũng vậy. Mọi vi phạm đều phải được xử lý theo pháp luật, dù người đó là ai, đang giữ cương vị gì.

Luật pháp Việt Nam chỉ xử lý những ai vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ người tham gia góp ý xây dựng, chỉ đúng cái sai của Nhà nước, của cá nhân và của tổ chức trên cơ sở góp phần hướng tới cái đúng, cái thiện, cái tốt, cái phát triển. Còn lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích của cá nhân, của tổ chức; sản xuất, tán phát hoặc tuyên truyền chống Nhà nước thì phải được xử lý để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, đó là chức năng, nhiệm vụ của nền tư pháp.

Các bị cáo nói trên đã được xét xử và đã trả giá cho những hành vi vi phạm của mình, không chỉ là bài học cho họ mà cho cả những ai vì chưa hiểu biết về luật pháp, bị lôi kéo vào những tổ chức chống đối, tự cho mình cái quyền đứng trên luật pháp hãy tự cảnh tỉnh và đừng sa vào những việc làm vi phạm luật pháp. Thượng tôn pháp luật là thể hiện một xã hội dân chủ, văn minh.

NGUYỄN THANH TUẤN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202306/thuong-ton-phap-luat-nguyen-tac-toi-thuong-cua-moi-quoc-gia-3946070/