Thương tiếc PGS-TS Nguyễn Quang Điển

PGS-TS Nquyễn Quang Điển qua đời lúc 15 giờ 30 phút chiều 10-1, hưởng thọ 79 tuổi

Thầy Nguyễn Quang Điển bắt tôi gọi bằng "anh", dẫu thầy có dạy tôi một học phần khi tôi tham gia lớp triết học dành cho nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Sư phạm TP HCM vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, thầy là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM. Qua lớp học ấy, các học viên lớn tuổi như Trần Hữu Tá, Lâm Vinh, Lê Vinh Quốc… đều công nhận thầy dạy triết hay nhất. So với những giảng viên khác trong khóa học ấy, quả thật thầy dạy khá thuyết phục, không sách vở mà nói trơn tru, thuyết phục, nhất là giải thích rất khách quan, rất khoa học vì sao Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ một cách nhanh chóng sau hơn nửa thế kỷ vững mạnh...

Từ đó, tôi quen thầy và thường hay nhờ thầy viết bài cho Báo Người Lao Động. Qua thầy, tôi mới biết thầy là một trong những người đầu tiên hình thành bộ khung Ban Biên tập Báo Công nhân Giải phóng (tiền thân Báo Người Lao Động) sau ngày 30-4-1975. Sau đó, thầy về công tác ở Đài Phát thanh, rồi mới làm thầy giáo.

PGS-TS Nguyễn Quang Điển

PGS-TS Nguyễn Quang Điển là một trong vài ba người tôi thường nhờ cậy viết bài có được cái thế mạnh là viết nhanh, viết đúng trọng tâm theo yêu cầu của báo nên tòa soạn và Ban Biên tập khá yên tâm. Những bài viết của thầy đều được Báo Người Lao Động sử dụng, không cần phải cắt xén, thêm bớt gì.

Với ai, tôi không biết nhưng khi tôi đặt bài, thầy chưa bao giờ từ chối dù cần thầy viết gấp trong vài ba giờ.

Thầy uống rượu cũng khác mọi người. Yên lặng uống, yên lặng nghe, không ồn ào, không nói tục; khi thấy thầy ngước lên cười hơ hớ không thành tiếng là biết thầy đã say quắc cần câu. Nhưng chuyện này chỉ xảy ra khi chỉ có dăm ba anh em thân thiết, còn những lúc khác thì thầy chỉ uống vài chén nhỏ mang tính "thủ tục" là chính. Uống rượu ở nhà thầy cũng thế. Rượu ở nhà thầy không thiếu, ai uống được bao nhiêu cứ uống, còn thầy cũng chỉ vài ba ly nhỏ để trợ hứng anh em.

Thuốc lá thầy cũng hút nhưng không quên thuốc lào. Với thầy, thuốc lào mới là "quốc hồn quốc túy", không chỉ đậm đà mà còn có tiếng reo vui. Không biết có phải vì sự đậm đà này mà đã làm nên khối u trong phổi của thầy hay không nhưng nói gì cũng đã muộn rồi. Nhìn lại 79 mùa xuân đi qua cuộc đời của thầy, tôi thấy thầy đã "hoàn thành sứ mệnh" làm người, làm chồng, làm cha một cách vẻ vang. Tôi cầu mong tiếng reo vui ấy theo thầy mãi mãi.

Khách viếng tang PGS-TS Nguyễn Quang Điển nhà riêng 18/42 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP HCM

Khi thầy làm Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP HCM, rồi làm Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy ĐHQG TP HCM, thầy vẫn xuề xòa, bình dị chẳng thể hiện chút nào quan cách. Cái đáng quý ở PGS-TS Nguyễn Quang Điển trong mắt tôi là người chịu khó đọc, chịu khó suy ngẫm, luôn muốn làm giàu thêm kho tàng tri thức của mình, đặc biệt phần nhân tính của thầy đã lấn át phần quan tính chứ không như một số người tôi đã biết, đã quen.

Dẫu biết đời người hữu hạn nhưng nghe tin thầy giã từ cuộc sống, tôi không chỉ buồn mà còn áy náy vì gần đây đã bỏ qua 2 lần gặp gỡ thầy. Sự áy náy này đã làm tôi khó vỗ yên giấc ngủ. "Tuổi già hạt lệ như sương/ Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan". Đành học cụ Tam Nguyên Yên Đổ vậy, bởi tôi cũng đã vào tuổi "xưa nay hiếm" rồi, thầy ơi!

Thương tiếc PGS-TS Nguyễn Quang Điển. Xin thắp nén tâm nhang tiễn đưa thầy về nơi thế giới người hiền.

PGS-TS Nguyễn Quang Điển, sinh năm 1944. Quê quán: Thanh Hóa.

Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 1, 2, 3 (1996-2010); nguyên Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy ĐHQG TP HCM; nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP HCM; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP HCM; nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết học - Trường ĐH Tổng hợp TP HCM.

Bài và ảnh: VU GIA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thuong-tiec-pgs-ts-nguyen-quang-dien-20220111214914582.htm