Thưởng thức cà phê: Để đam mê trở thành nét văn hóa

Trong vài năm trở lại đây, hàng trăm quán cà phê được mở ra tại Đắk Nông. Bên cạnh những không gian hiện đại, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức, thì vẫn còn đó những quán cà phê in màu thời gian, là nơi lui tới của những vị khách mê đắm vị đắng của thứ 'ngọc trai núi' .

Vị cũ, cách thưởng thức mới

Từ nhiều năm nay, quán cà phê không chỉ là nơi bạn bè hàn huyên, trò chuyện nhau, nơi đây còn là không gian của những buổi trò chuyện, trao đổi công việc. Cũng nhờ đó, cà phê dần trở thành thức uống quen thuộc, “là đầu câu chuyện” ở bất cứ một cuộc gặp gỡ nào.

Như một thói quen, cứ vào dịp cuối tuần, chị Hoàng Thị Duyên, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại cùng gia đình và bạn bè tìm tới quán cà phê quen thuộc. Không gian quán mở, người lớn có nơi ngồi nói chuyện, trẻ nhỏ có khu vực vui chơi riêng, giúp mỗi người đều có cơ hội được “thả mình” thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Chị Duyên (bên phải) thường xuyên gặp gỡ bạn bè, uống cà phê, nói chuyện.

Chị Duyên chia sẻ, trước đây chị không có thói quen uống cà phê, tuy nhiên sau một thời gian sinh sống tại Đắk Nông, chị đã mê đắm thức uống đặc trưng của vùng đất bazan này. Mỗi người có một cách thưởng thức cà phê riêng, nhưng đối với chị cà phê sữa đá vẫn là lựa chọn hàng đầu.

“Trước đây tôi thường uống cà phê pha phin và sữa, nhiều người thường gọi là nâu. Sau này khi các quán cà phê trang bị thêm máy pha, cà phê được chế biến, pha chế hiện đại hơn, tăng thêm vị đậm đà cho loại đồ uống quen thuộc. Tuy nhiên, dù pha chế theo cách nào, cà phê vẫn giữ được những hương vị đặc trưng mà không loại nông sản nào thay thế được”, chị Duyên nói.

Hơn nửa thế kỷ uống cà phê, hầu như ngày nào ông Huỳnh Sơn Thành, tổ dân phố 6, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cũng phải dành hơn 1 tiếng đồng hồ mỗi sáng để thưởng thức loại đồ uống này. Đối với những người “mộ điệu”, uống cà phê cần một sự chậm rãi và kiên nhẫn, không gian thưởng thức cà phê cũng vì thế mà yên bình, tĩnh tại.

Ông Thành cho biết, ông bắt đầu uống cà phê từ khi mới 15, 16 tuổi. Khi ấy cà phê là thứ thức uống mới lạ với phần đa người dân Việt Nam. Suốt những năm qua, vị cà phê vẫn thế, nhưng cách pha chế, thưởng thức cà phê có sự thay đổi nhất định, vừa có sự độc đáo, mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, cổ điển.

Ông Huỳnh Sơn Thành chia sẻ: “Tôi rất yêu thích cà phê. Trước đây, uống cà phê vào mỗi sáng giúp tôi tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn. Đến nay dù đã lớn tuổi, không còn phải trực tiếp lao động nhưng hằng ngày tôi vẫn cùng vợ gặp gỡ bạn bè ở các quán cà phê để trò chuyện”.

Dẫu có nhiều cách thưởng thức, thế nhưng đối với những người đam mê cà phê, thứ thức uống này ngon nhất và giữ được trọn vị nhất đó là cách chế biến trực tiếp.

Đã từng có thời gian, cà phê bột hòa tan trở thành một “hiện tượng”, thế nhưng loại cà phê này hoàn toàn không thể thay thế được vị trí của ly cà phê được pha theo kiểu truyền thống.

Cũng có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới mở cửa hàng tại Việt Nam, đặt ngay vị trí mặt tiền nơi đông người qua lại, song những ly cà phê ấy cũng không thể xóa bỏ được những quán cà phê cóc, cà phê góc phố tồn tại suốt hàng chục năm qua.

Chị Ngô Thị Bích Lan, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa) chia sẻ: “Đối với tôi, cà phê nguyên chất, được pha bằng phin vẫn là ly cà phê ngon nhất. Thưởng thức một ly cà phê nguyên chất vào mỗi buổi sáng không chỉ giúp tôi tỉnh táo mà còn mang lại cho tôi những năng lượng tích cực và niềm hứng khởi cho một ngày làm việc mới”.

“Định hình” hương vị cà phê Đắk Nông

Có cơ hội được đi nhiều tỉnh thành, được thưởng thức nhiều ly cà phê khác nhau, thế nhưng theo đánh giá của ông Huỳnh Sơn Thành, cà phê tại Tây Nguyên có chất lượng tốt nhất. Một phần bởi đây là vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước, cà phê được trồng trên vùng đất bazan màu mỡ, một phần là nhờ cách chế biến, rang xay cà phê.

Theo đánh giá của ông Huỳnh Sơn Thành, cà phê tại Tây Nguyên có chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên ông Thành cũng cho rằng, để thương hiệu cà phê Tây Nguyên nói chung và cà phê Đắk Nông nói riêng khẳng định được vị thế thì khâu sản xuất, chế biến phải được nâng cao hơn nữa. Nhất là khi, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng sử dụng những sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, mang lại lợi ích sức khỏe.

Cùng quan điểm, chị Lê Thị Ly Na, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cũng mong muốn đưa các sản phẩm cà phê hữu cơ, sản phẩm organic đến với người thưởng thức.

Theo chị Na, cà phê được trồng với diện tích lớn tại Đắk Nông, sản lượng hàng năm rất lớn. So với thời gian trước, chất lượng cà phê đã được nâng lên rõ rệt, tuy nhiên sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu như các địa phương lân cận.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới, mỗi du khách khi tới Đắk Nông, họ sẽ gọi cho mình một ly cà phê để uống thay vì những món đồ uống khác. Đặc biệt, khi rời Đắk Nông họ vẫn nhắc về loại đồ uống này. Có như thế thì cà phê Đắk Nông mới thực sự được lưu giữ trong lòng họ”, chị Ly Na cho hay.

Hiện nay, ở khắp các địa phương trong tỉnh, hàng loạt các quán cà phê được mở ra. Đối với nhiều người, uống cà phê gần như đã trở thành thói quen trước khi bắt đầu một ngày mới. Cũng vì thế, sử dụng cà phê từ một thói quen, niềm đam mê trở thành một nét văn hóa, không chỉ với người dân Đắk Nông.

Đặc biệt, để từng bước định hình cho thương hiệu cà phê Đắk Nông, hiện một số đơn vị đã kết hợp giữa sử dụng cà phê với du lịch trải nghiệm vườn cà phê. Du khách khi đến với Đắk Nông, không chỉ được tham quan, nắm bắt quy trình thu hái, sản xuất mà còn được tự tay pha ly cà phê cho riêng mình. Tất cả điều đó đã mang lại cho du khách một cảm nhận đặc biệt, vừa là sự trải nghiệm, vừa là sự thưởng thức.

Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/thuong-thuc-ca-phe-de-dam-me-tro-thanh-net-van-hoa-154353.html