Thưởng Tết ngân hàng: Người trăm triệu, người nửa tháng lương an ủi

Những lao động trong ngành Ngân hàng luôn là những người nghĩ đến các khoản thưởng Tết sớm nhất.

Ảnh minh họa

Hầu hết các ngân hàng đều có "tháng lương thứ 13"

Những ngày cuối năm dương lịch sẽ là thời điểm bận rộn nhất với lực lượng "công nhân tiền" như cách nói vui của nhân sự làm trong ngành ngân hàng. Các lịch thanh toán, quyết toán, thu chi, các công việc chốt sổ, báo cáo, tổng kết kinh doanh 2023, vạch kế hoạch kinh doanh 2024 đều dồn dập đến vào giai đoạn cuối năm.

Với ngân hàng, thời điểm cuối năm dương lịch và giai đoạn trước Tết Nguyên đán cũng là lúc nhu cầu giao dịch, thanh toán, gửi tiền, rút tiền của cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp tăng cao nhất, nhân viên ngân hàng cũng phải làm việc căng nhất.

"Bình thường đã làm đến 7- 8h tối mới nghỉ, thời điểm cuối năm này thì có khi 1-2h đêm vẫn đang quyết toán ở văn phòng là chuyện bình thường, chỉ nhầm lẫn một số liệu chưa khớp được thì cả phòng phải làm lại, phải rà soát đến một núi chứng từ", chị Huyền Linh - trưởng phòng thanh toán của một ngân hàng - chia sẻ.

"Năm rồi là một năm khó khăn của những người làm ngân hàng, có tiền mà có cho vay được đâu. Lãi suất huy động giảm nhưng người gửi vẫn nhiều, còn đi tìm kiếm khách hàng là khó lắm. Suốt cả năm rồi, bất động sản kém, tín dụng bất động sản của chi nhánh sụt mạnh lắm", một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng cho biết.

Ảnh minh họa

Tuy là ngành vất vả, "đau não", song điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ của ngân hàng khá tốt so với nhiều ngành nghề khác. Trong một năm lao động tại nhiều ngành lao đao do doanh nghiệp khó khăn thì theo khảo sát, các nhân viên ngân hàng về cơ bản vẫn được đảm bảo thu nhập và đãi ngộ nếu trụ vững và làm việc hiệu quả.

Hết năm dương lịch, nhân viên toàn hệ thống của các ngân hàng được nhận "tháng lương thứ 13" là một điều... đương nhiên, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện trong nhiều năm nay. Theo khảo sát (*), các nhân viên từ các nhà băng Vietinbank, BIDV, Techcombank, SHB, Bắc Á Bank, Ngân hàng Quân đội (MBBank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, VPBank, TPBank... đều cho biết chuẩn bị nhận được tháng lương thứ 13. Một số ngân hàng sẽ giải ngân tháng lương này đi kèm thời điểm trả lương tháng 12/2023 vào đầu tháng sau, hoặc có nơi cứ trước ngày nghỉ Tết dương lịch là tiền "ting ting vào tài khoản". Cách nói "ting ting vào tài khoản" là cách nói giờ đã quen thuộc, dựa theo việc miêu tả lại âm báo tin nhắn khi tài khoản nhận được tiền.

Ngân hàng là ngành đặc thù, với định mức, với các chỉ số KPI đánh giá công việc rất cụ thể bằng con số, nhìn thấy rõ, đo được ngay với mỗi nhân sự. Lương của nhân viên ngân hàng sẽ bao gồm lương cơ bản đi cùng lương kinh doanh. Chính bởi vậy, mức lương cơ bản không cao, không chiếm phần lớn so với thu nhập thực nhận dựa trên việc có hoàn thành KPI hay không. "Tháng lương thứ 13" mà các nhân viên ngân hàng được nhận là lương cơ bản. Tuy nhiên, việc cứ hết năm là có thêm 1 tháng lương luôn là sự động viên tinh thần rất lớn với người lao động trong ngành ngân hàng.

* Khảo sát được thực hiện với nhân sự các ngân hàng thương mại cổ phần, không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam, các ngân hàng thuộc diện yếu kém phải xử lý.

Nhân viên ngân hàng bắt đầu háo hức, hồi hộp với thưởng Tết

Cứ đến cuối năm dương lịch, rục rịch chuẩn bị cho Tết âm lịch là chuyện "thưởng Tết ngân hàng" lại được nói đến nhiều, được quan tâm nhiều. Chuyện ngân hàng này thưởng 2-3 tháng, ngân hàng kia có người được nhận tới 7-8 tháng lương, lên đến vài trăm triệu, thậm chí có nhân sự lên tới cả tỉ đồng khiến lao động các ngành khác phải trầm trồ, ao ước.

Thực chất của những khoản thưởng Tết của nhân sự ngành ngân hàng ra sao?

Về cơ bản, các ngân hàng trong nhóm Big 4 (BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank) và nhóm các thương mại cổ phần hoạt động tốt đều duy trì mức thưởng đến 2 đến 3 tháng lương cho Tết âm lịch trong nhiều năm gần đây.

Như đã nêu trên, đây là ngành đặc thù, với những chỉ số đánh giá KPI, với lương cơ bản và lương kinh doanh. Mức thưởng sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh chung của cả ngân hàng, hiệu quả kinh doanh của chi nhánh và tiếp sau đó phụ thuộc nhiều nhất vào hiệu quả kinh doanh của chính bản thân nhân sự.

Cách làm về cơ bản của các ngân hàng sau khi kết thúc một năm là các khối kinh doanh, các chi nhánh (là các đơn vị kinh doanh) sẽ được đánh giá ở các mức: xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành. Người lao động tại các khối kinh doanh này cũng được xếp loại lao động tương tự dựa trên việc hoàn thành các chỉ tiêu với các mức: xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, không hoàn thành.

Với các đơn vị kinh doanh xuất sắc, số lượng người ở mức xuất sắc sẽ được nhiều và với các đơn vị kinh doanh chỉ ở mức hoàn thành hoặc không hoàn thành, thì số người hoàn thành, không hoàn thành cũng sẽ nhiều, tất cả đều đã có tiêu chí để đo. Hết năm dương lịch, các khối kinh doanh, các nhân sự đều đã biết mình ở mức độ nào và đợi ngân hàng công bố kết quả kinh doanh của toàn hệ thống.

Với ngành ngân hàng, người xuất sắc nhận thưởng Tết cả trăm triệu, người không hoàn thành chỉ tiêu nhận được vào triệu an ủi là điều hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa

Sau khi ngân hàng công bố kết quả kinh doanh chung của toàn hệ thống, mức thưởng Tết của năm sẽ được thông báo đến toàn bộ các nhân sự.

Với những khối kinh doanh, các đơn vị kinh doanh ở mức xuất sắc, đi kèm theo đó là đông đảo nhân sự đều đạt xuất sắc và hoàn thành tốt thì thời điểm này sẽ thực sự là "xuân ơi xuân, xuân đã về", thưởng cứ thế nhân lên. Các ngân hàng lại có tiêu chí riêng cho nhân sự xuất sắc, chẳng hạn ở mức hoàn thành đã được thưởng 2 tháng lương nhưng xuất sắc lại có "chế độ đặc biệt". Ở những năm kinh doanh có kết quả vượt bậc, nhiều ngân hàng đã áp mức thưởng cho người xuất sắc được thưởng Tết với 6 tháng hoặc thậm chí lên đến 8 tháng lương.

Chẳng hạn, một nhân viên của 1 ngân hàng đứng đầu về thu nhập trung bình hàng tháng của nhân viên (với mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng), khi đạt mức xuất sắc và ngân hàng thưởng Tết âm lịch 3 tháng lương, sẽ có mức thưởng Tết là 105 triệu đồng. Các giám đốc chi nhánh, quản lý cấp trung, trưởng phòng tại các ngân hàng liên tục tăng trưởng, phát triển thời gian qua sẽ có mức thưởng Tết trăm triệu đồng, nhân viên có thưởng Tết vài chục triệu đồng là điều dễ hiểu.

Một phó tổng giám đốc hay giám đốc khối, chi nhánh lớn của ngân hàng với mức lương 200-300 triệu đồng/tháng thì có thưởng Tết lên đến cả tỉ đồng nếu đạt mức xuất sắc trong năm ngân hàng đó làm ăn tốt thì cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Với những chi nhánh yếu kém không hoàn thành chỉ tiêu, với các nhân sự không hoàn thành công việc, thưởng Tết chỉ được chưa đầy tháng lương, không đủ ăn Tết cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ngân hàng là những đơn vị luôn vô cùng rõ ràng, rành mạch trong việc "cân đong đo đếm" hiệu quả công việc của mỗi nhân sự, "chuẩn đến từng con số". Thưởng Tết, tính tiền thưởng Tết được thực hiện rõ ràng, công bằng, đảm bảo đánh giá đúng sự cống hiến của người lao động.

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thuong-tet-ngan-hang-nguoi-tram-trieu-nguoi-nua-thang-luong-an-ui-20231224192105654.htm