Thương những ngày đông giá rét

Phố mùa đông. Gió rít từng cơn. Rét cắt da cắt thịt. Đi trên phố một ngày như thế, người ta hay nhìn người nhìn cảnh mà liên tưởng, ký ức xa xôi theo dòng suy tư cứ thế sống dậy. Có một người con gái nhìn người phụ nữ xa lạ lẻ loi kiếm sống trên hè phố mà thương dáng mẹ trên chiếc xe đạp phượng hoàng của ngày xưa cũ.

Mời bạn cùng theo những dòng ký ức của bạn Ngọc Anh.

Hà Nội mùa này lạnh lắm. Những buổi sáng không nắng ấm, không tiếng chim lanh lảnh hót, vòng xe quay nhanh trên phố, bước chân người vội vã hơn để trốn chạy những cơn gió buốt.

Người phụ nữ khó nhọc điều khiển chiếc xe đạp cào cào cũ gỉ sét chở tấm khung nệm sắt mới kiếm được. Qua một đống rác nơi vệ đường, không để tâm đến ánh mắt mọi người, đôi tay cáu bẩn đen đúa bới xem có gì nhặt nhạnh được không. Người phụ nữ ấy chắc hẳn có một gia đình ở phía sau. Gia đình đó có những đứa con thơ đang trông bữa cơm nóng, cũng có thể là sách vở, quần áo ấm, là tương lai và hi vọng. Chẳng sức mạnh nào có thể sánh bằng sức mạnh của một người mẹ vì con. Giông bão dưới hình hài nào cũng khó có thể lay chuyển ý chí của một người mẹ.

Ảnh minh họa: NLD

Đây đó bên vệ đường người ta nhóm những bếp củi nhỏ để sưởi ấm. "Lách tách", "lép bép" là những âm thanh vui tai từ đốm lửa ấm áp mà ai đi qua cũng dễ dàng nghe được.

Nhớ sớm mùa đông của ngày rất xa. Mấy chị em ngái ngủ, ngơ ngác vì tự nhiên thấy lạnh cóng. Mẹ hò các con lấy quần áo mặc rồi ra nồi nước nhân trần mẹ mới đun hơ ấm tay, ấm mặt. Người lớn nghĩ gì vào mùa đông không rõ. Nhưng những đứa trẻ thì vui sướng và thích thú. Ngồi sau chiếc xe đạp của mẹ, từng luồng hơi trắng đục phả ra bay lơ lửng trong khung trung rồi biến mất. Khanh khách những tràng cười giòn tan trong veo cho đến lúc tạm biệt mẹ vào lớp học. Mẹ nhìn theo bóng con một lúc rồi lên xe đạp, liêu xiêu và vội vã. Con ào vào lớp, hí hửng cùng đám bạn khoe nhau xem nay ai mặc nhiều quần nhiều áo hơn. Dáng mẹ khuất dần trong dòng người. Âm thanh náo nức của trường học thì vang đi rất xa.

Ngày ấy, công ty bố ít việc. Bố không phải đi công trình một thời gian dài. Mẹ dậy từ sớm, có hôm ngủ lại sạp hàng ngoài chợ. Chợ ngày ấy, hàng quán dựng tạm bợ, đằng sau là dòng kênh đen ngòm, đằng trước là hàng quán san sát. Mẹ bán hàng khô, thi thoảng lại lóc cóc lên chợ Đồng Xuân chất đủ thứ đồ chằng vào xe đạp. Người mẹ thì nhỏ mà những bao hàng lại cồng kềnh. Vậy mà mẹ suốt bao năm không một lời than vãn.

Mùa đông trời sáng muộn, nhiều khi các con còn say giấc, mẹ cùng túi lớn túi bé đã nhanh chóng bị bóng tối bao phủ. Tối, mẹ lại từ bóng tối ấy trở về với thức ăn cuối ngày. Có hôm nằm ngủ qua đêm cùng mẹ ngoài chợ mới thấy nơi đó không thú vị như trong tưởng tượng. Đồ ăn khắp nơi nhưng không được ăn. Trên mái và xung quanh, lũ chuột chạy rần rật như đi hội. Qua khe hở của mấy tấm vách tạm bợ, gió gầm gào. Co ro nằm trong vòng tay mẹ co ro và sợ. Mẹ mạnh mẽ lắm mới có thể bao lần ngủ lại nơi đây để trông hàng.

Càng lớn, những mùa đông qua đi, vẻ đẹp của mùa đông chẳng còn làm cho trái tim đã trưởng thành yêu thích nữa. Khi đã biết những hy sinh của cha mẹ bao la thế nào cũng là lúc cha mẹ đã già yếu. Đông qua, xuân tới. Thêm một năm, thêm một tuổi, cha mẹ có chờ con kịp trưởng thành để đền đáp công sinh công dưỡng? Chỉ mong cuối ngày, được trở về nhà, gia đình đủ đầy cùng nhau ăn bát cơm nóng. Mùa đông ngoài cửa, trong nhà là nắng ấm./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thuong-nhung-ngay-dong-gia-ret-216127.htm