Thương những chuyến tàu

Những chuyến tàu không chỉ là phương tiện vận tải mà còn chở bao nỗi niềm của hành khách. Có chuyến tàu xốn xang nỗi buồn chia ly, cũng có chuyến tàu rộn ràng niềm vui khám phá. Nhưng chuyến tàu nào cũng vời vợi niềm thương - thương người và thương đất…Khởi công năm 1881 và đưa vào vận hành tháng 7-1885, tuyến đường sắt dài 71km Sài Gòn - Mỹ Tho đã thay đổi tư duy giao thông của người Việt lúc đó chỉ với hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền, cũng đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Năm 1936, mạng lưới đường sắt Việt Nam hoàn thành với tổng chiều dài 2.600km. Đến nay, qua 143 năm, tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu có mạng lưới 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.Trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020, tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam được hãng tin Sputnik của Nga và trang CN Traveller bầu chọn là 1 trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, chạy dọc theo chiều dài đất nước. Mới đây, chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới.

Cung đường sắt Đà Nẵng - Huế đoạn qua đèo Hải Vân. Ảnh: VNR

“Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà”

Ba má đi làm xa xứ, từ hồi 5 tuổi, năm nào tôi cũng miên miên theo những chuyến đi để vui niềm sum vầy. Con nhóc vừa chập chững biết mặt chữ lúc thì được ba má gửi gắm cho người này, khi thì nhờ cậy người kia trên những chuyến xe lắc lơ gần 2 ngày. Xe đò cũng vì thế gắn liền với một phần tuổi thơ của tôi. Những chuyến đi hào hứng và những chuyến về luyến nhớ cùng tôi trưởng thành qua mùa, qua năm. Rứa mà, tôi thương những cuốc xe xóc nẩy, lại khao khát chuyến tàu lửa chưa từng thấy, chỉ biết đến qua nỗi đợi chờ trong đêm của An và Liên (truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, nhà văn Thạch Lam). Con tàu đêm rực rỡ với thứ ánh sáng lấp lánh trong thoáng chốc ấy ghi tạc trong tôi hình dung về những chuyến tàu luôn ăm ắp nỗi buồn dịu vợi - như câu chữ đầy ngổn ngang của nhà văn Thạch Lam.

Chừng đến hồi lớn, có dịp hòa mình trong huyên náo của sân ga, nơi chốn này vẫn cứ mang lại cảm giác đặc quánh, chẳng biết vì lẽ gì. Thanh âm xình xịch như giục giã càng tô đậm niềm bịn rịn nơi cái ôm, nỗi luyến nhớ trong nước mắt hoen mi, sự da diết giữa cái níu tay với. Người đi nuối tiếc, người ở xao xuyến, còn người vô tình chứng kiến cảnh biệt ly như tôi cũng nằng nặng đôi xốn xang. Cái cảm giác bấy giờ chắc cũng tựa nỗi niềm nhà thơ Tế Hanh: “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa” (Những ngày nghỉ học). Cũng nơi sân ga, Nguyễn Bính từng cảm khái: "Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/ Buồn ở đâu hơn ở chốn này?” (Những bóng người trên sân ga).

Từ truyện đến thơ, sân ga, con tàu luôn đượm nồng nỗi buồn khó tả. Tôi từng nghĩ rằng, với những liêu xiêu ấy, chẳng mấy ai muốn trở thành người “lưu lạc bên đường sắt”, để “mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà”(*) bao giờ. Bởi lẽ ấy, sau này, rời nhà vào Sài Gòn học đại học, tôi vẫn gắn bó với xe đò. Rứa mà, người anh họ cùng tuổi với tôi lại mê mải nơi sân ga một thời trai trẻ. Bốn năm đại học, anh cần mẫn chạy xe máy từ Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng, rồi theo bao chuyến tàu đến Huế. Anh bảo, ở sân ga, anh cảm giác nỗi buồn của mình không đơn độc. Không người tiễn đưa, anh xem những biệt ly của nơi chốn ấy như là của mình để xoa dịu cảm giác tủi thân. Tôi vốn quen với xa cách từ hồi còn nhỏ xíu, cũng quen với những chuyến đi một mình nên tuổi đôi mươi chưa tường tận tiếng thở dài của anh. Bây giờ ngẫm lại, chừng như mới cảm được đôi phần nỗi lòng người lữ hành xa quê khi đó.

Ngắm Việt Nam theo một cách khác

Tôi cứ tưởng sân ga, con tàu trong lòng mình sẽ mãi gắn với hình ảnh: “Tàu chạy hình như để chở buồn/ Chở người đi nhớ, kẻ về thương” (Chuyến tàu đêm, Nguyễn Bính). Rứa mà, theo thời gian, những chuyến tàu dần được tô thêm nhiều sắc khác, thay vì tuyền một màu xám chia ly. Đó là chuyến tàu Đà Nẵng - Hà Nội đậm sắc đỏ khi chị họ tôi gặp gỡ rồi nên duyên vợ chồng với người hành khách chung chặng. Đó là chuyến tàu ươm hồng nơi ga Đà Lạt để ghi lại những ngày yêu rực rỡ của tôi, của bao người. Đó là chuyến tàu Đà Nẵng - Nha Trang xanh thắm niềm vui đi chơi cùng đồng nghiệp…

Vài năm trở lại đây, đi du lịch bằng tàu hỏa, nhất là những chặng có khoảng cách ngắn, đang dần trở thành xu hướng với người trẻ nhờ ngành đường sắt cải tiến toa, gia tăng tính thẩm mỹ, nâng chất lượng dịch vụ du lịch cũng như tiện lợi trong việc đặt vé. Là khách hàng “ruột” của ngành đường sắt, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 2000, quận Hải Châu) chia sẻ: “Hồi đầu, tôi chọn du lịch bằng tàu hỏa chỉ vì muốn tiết kiệm chi phí thôi. Nhưng đi một lần rồi mê, sau đó, mỗi lần có dịp đi du lịch, tôi thường ưu tiên chọn tàu hỏa. Tiện ích trên tàu ngày càng được chăm chút, đầy đủ tiện nghi. Cũng vì thế, tôi có thể thoải mái ngắm cảnh hay chụp ảnh “sống ảo”.

Tôi thấy chỗ nào trên tàu cũng có thể chụp được ảnh "so deep” (cách gọi bắt nguồn từ trào lưu chụp ảnh với biểu cảm mông lung, mơ màng hay xa xăm). Cứ thế, vô vàn bức ảnh đẹp được chụp trên những chuyến tàu - từ khung cửa sổ trong khoang tàu nằm đầy thơ mộng với cảnh sắc liên tục thay đổi, đến hành lang dài tạo chiều sâu và cảm giác hút hồn, hay sắc xanh - đỏ ấn tượng của đoàn tàu, hay sân ga… - góp phần truyền thông mạnh mẽ cho phương tiện vận tải này.

Trong khi đó, chàng trai Lưu Hoàng Khải (SN 1995, quận Thanh Khê) từ “bị” bạn bè rủ rê trải nghiệm tàu hỏa trở thành người quảng bá “du lịch chậm”. Nhưng khác với Ánh, Khải mê khoảng thời gian thư thái ngắm nhìn cảnh sắc non sông. Với Khải, đó là quãng tĩnh cần thiết để cân bằng tâm hồn sau những giờ, những ngày tất bật chạy đua với “deadline” (khái niệm dùng để chỉ hạn chót cần hoàn thành của một công việc cụ thể - PV). “Cảnh vốn đã đẹp, qua ô cửa kính lại càng thêm thi vị, từ cánh đồng quê mộc mạc, bờ biển lấp lánh ánh bạc, đến núi non sừng sững… Mỗi cảnh, mỗi thời điểm đều đem đến cảm xúc khó tả. Chuyến tàu nào tôi cũng dành phần lớn thời gian chìm trong những bức tranh thiên nhiên ấy mà chưa bao giờ chán”, Khải bồi hồi.

Với lợi thế địa hình, Đà Nẵng được mệnh danh là một trong những cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Năm 2021, chuyến tàu hỏa mang tên The Vietage kết nối giữa Đà Nẵng và Quy Nhơn là một trong sáu hành trình trải nghiệm bằng tàu hỏa tuyệt vời nhất châu Á do tạp chí danh tiếng của Mỹ CNN bình chọn. Tàu The Vietage Đà Nẵng - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) phục vụ không quá 12 hành khách trên một lượt, được mệnh danh là dự án tàu hỏa hạng thương gia đầu tiên ở Việt Nam, vận hành từ tháng 7-2020. Tàu khởi hành hằng ngày vào buổi sáng ở ga Đà Nẵng, đi qua một số điểm nổi tiếng như Hội An (Quảng Nam), đèo Hải Vân, bãi biển Lăng Cô, ga Tam Kỳ, ga Núi Thành, ga Quảng Ngãi... và đến Quy Nhơn vào buổi chiều. Chuyến tàu sẽ quay về vào cuối giờ chiều từ ga Diêu Trì - Bình Định và đến Đà Nẵng vào rạng sáng.

Không có chuyến tàu cao cấp như chặng Đà Nẵng - Quy Nhơn, cung đường Huế - Đà Nẵng vẫn luôn giữ sức hút của riêng mình. “Hot” đến độ, tôi và em gái í ới rủ nhau đi mấy lần nhưng chưa khi nào đặt được vé. Mới đây, khi hay tin chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” - sản phẩm du lịch đặc biệt do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng và UBND thành phố Huế - chính thức khai trương từ ngày 26-3-2024, chúng tôi vội vàng “săn” vé. Rứa mà, vẫn chậm chân. Vé của ngày thứ Bảy hết sạch, chúng tôi đành thu xếp công việc, đổi sang chuyến ngày thứ Sáu.

Ba giờ chiều, chúng tôi lên tàu, thả tầm mắt ngắm phố phường rực rỡ trong nắng, ngắm đèo Hải Vân uốn lượn quanh co theo triền núi, ngắm vài chiếc thuyền nhấp nhô theo sóng biển… có khi trong tiếng rầm rập chuyển mình của đoàn tàu, có khi trong tiếng đàn thánh thót của nữ nghệ sĩ đang trình diễn trực tiếp, có khi trong tiếng trầm trồ của vài trẻ thơ… Đi vội, hai chiếc bụng chưa kịp ăn trưa réo inh ỏi, nghe loa giới thiệu mấy món đặc sản hấp dẫn, hai chị em di chuyển đến toa sinh hoạt cộng đồng được bố trí ở giữa năm toa xe. Món bánh lọc yêu thích đã được du khách nước ngoài “xí phần” hết, chúng tôi đành chuyển sang món bánh mì làm từ bột chuối xanh - một sản phẩm của bà con nông dân ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khách vừa thưởng thức ẩm thực vừa ngồi ngắm cảnh trên những chiếc ghế kê dọc các ô cửa kính. Ghế kín người nhưng khoang tĩnh lặng, dường như ai cũng đang đắm chìm vào khung cảnh thi vị trước mắt.

Nhà chồng ở Huế, ngược xuôi cung đường Đà Nẵng - Huế bao bận nhưng cảm giác lần này lại xao xuyến vô ngần. Nếu ô cửa kính truyền thống ở bốn toa xe ghế mềm mang đến những cảnh sắc chân thật, ô cửa kính vuông to ở toa sinh hoạt cộng đồng tặng du khách vài bức tranh thiên nhiên thơ mộng, thì ô cửa kính chữ nhật nhỏ ở điểm nối các toa lại biến cảnh vật đang trôi vùn vụt thành thước phim man mác màu xưa cũ. Sự biến hóa đầy kỳ ảo ấy khiến dặm hành trình ba giờ đồng hồ đầy ngắn ngủi.

Rời chuyến tàu, lòng chúng tôi vẫn còn bảng lảng trong nắng, trong sóng, trong cỏ cây… trên đường vừa qua. Khách đi tàu, từ người Việt đến người nước ngoài, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đều nở nụ cười tươi rói trên gương mặt. Chúng tôi chỉ có niềm nuối tiếc duy nhất, giá như giai điệu vang lên trên những chuyến tàu này đến từ nhạc cụ truyền thống để âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

“Chuyến tàu đi qua các miền duyên hải tuyệt đẹp, có chùa chiền, thung lũng, núi cao, có những cánh đồng lúa trải dài vô tận… Tất cả tạo nên một cuộc phiêu lưu đầy thú vị cùng với góc nhìn hoàn toàn mới lạ và khác biệt về một điểm đến. Bằng cách lựa chọn tuyến đường sắt Bắc - Nam, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy một Việt Nam đa sắc màu, hội tụ đầy đủ những tinh hoa của cảnh quan, thiên nhiên và con người. Mặc dù thời gian di chuyển khá dài, song chuyến hành trình xuyên Việt này chắc chắn sẽ mang đến cho bất kỳ ai những trải nghiệm thực sự tuyệt vời và trọn vẹn, khó quên”, Lonely Planet viết.

MỘC NHIÊN

-----------------------------
* Trích lời thơ “Những bóng người trên sân ga”, Nguyễn Bính

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/thuong-nhung-chuyen-tau-3970616/