Thương nhớ nhà báo Xuân Xe – người anh một thời gắn bó với chúng tôi

Có lẽ không riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp đều bàng hoàng khi nghe tin Đại tá Nguyễn Xuân Xe – nguyên Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND ở phía Nam đã rời cõi tạm trưa 28/3/2023, dù trước đó mọi người đều biết anh lâm bệnh nặng. Nhiều kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng làm báo với người anh thân thương đã đánh thức tôi ngồi trước trang viết.

Hơn 25 năm trước, khi Văn phòng thường trú (VPTT) Báo CAND tại miền Trung – Tây Nguyên được các cơ quan chức trách cho phép thành lập tại 1B Trần Quang Khải, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa), Đại tá Ngôn Vĩnh – Tổng biên tập lúc bấy giờ phân công Thượng tá Trần Đãi từ Hà Nội vào đảm nhiệm Trưởng Văn phòng, còn nhà báo Xuân Xe vừa làm Phó trưởng Văn phòng, vừa cùng tôi là PV thuộc thế hệ đàn em lo chuyện “săn tin”, viết bài.
Hồi ấy chỉ có báo giấy mỗi tuần ba số, nhưng do địa bàn trải dài và mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực nên anh em ngược xuôi ô tô, xe lửa trong những chuyến công tác cũng lắm vất vả. Và một kỷ niệm sâu sắc nhất trong hành trình tác nghiệp với nhà báo Xuân Xe là khi trận bão lũ khốc liệt ập vào Quảng Nam, Quảng Ngãi giữa tháng 11/1999, cắt đứt huyết mạch giao thông xuyên Việt qua địa phận hai tỉnh này.

Đại tá Đặng Văn Lân - Phó Tổng biên tập Báo CAND trao quyết định nghỉ hưu cho Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Xe ngày 27/6/2016. Ảnh: Thái Bình.

Theo chỉ đạo của Ban biên tập phải khẩn trương vào vùng lũ, tôi cùng anh Xuân Xe tìm được chuyến bay Nha Trang – Đà Nẵng đầy thấp thỏm lo âu vì thời tiết xấu. Đến nơi, được Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ xe U oát ngược QL1A về hướng Nam, nhưng khi vào tới thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) thì…đường tắt, do lũ dâng cao. Hai anh em được Trung tá Huỳnh Văn Hai, Phó trưởng CSGT Công an Quảng Nam lúc đó đưa lên ca nô đi tác nghiệp giữa vùng lũ khi mực nước sông Vu Gia, Thu Bồn đang dâng cao. Chúng tôi ghi lại nhiều thông tin, hình ảnh xúc động khi công an, quân đội ngược xuôi ca nô, xuồng máy đến vùng bị lũ cô lập để cứu nạn, cứu trợ cho người dân trước khi về TP Tam Kỳ đang ngập lụt trong đêm.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Xe (ôm hoa, đứng giữa) cùng một số đồng nghiệp, anh em trong ngày anh nhận quyết định nghỉ hưu 27/6/2016. Ảnh: Thái Bình.

Thời ấy chưa có mạng Internet, máy ảnh số, laptop, mà chỉ có máy ảnh cơ - phim nhựa và máy ghi âm băng từ. Phố thị Tam Kỳ mất điện nhiều nơi do mưa bão, nhiều đoạn đường đã biến thành…sông, nên tôi cùng anh Xuân Xe vượt qua nhiều tuyến lũ bằng xuồng chèo rồi đi xe ôm tìm nơi tráng phim, phóng ảnh. Bài viết tay trên giấy fax về tòa soạn, còn ảnh phải gửi EMS qua bưu điện. Thêm một ngày nữa chúng tôi tiếp cận nhiều vùng lũ ở Thăng Bình, Tam Kỳ rồi mới tiếp tục hành trình vào tỉnh Quảng Ngãi tác nghiệp ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, TP Quảng Ngãi…khi mưa vẫn trút nước, lũ đang dâng cao trên sông Trà Khúc, Trà Bồng, chia cắt nhiều tuyến giao thông và cô lập nhiều làng quê…Sau chuyến đi gần môt tuần, chúng tôi ra ga Quảng Ngãi lên tàu về Nha Trang khi cả hai đều.... cảm sốt nhẹ.

Tại VPTT tại miền Trung – Tây Nguyên lúc đó, tôi cùng anh Xuân Xe tự nấu ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng, anh thường nhắc nhở, hướng dẫn và chia sẻ cho tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề báo. Đã có lúc anh không vui vì môt vài thiếu sót trong tác nghiệp, sinh hoạt của tôi, nhưng chưa bao giờ anh “to tiếng, nặng lời”, mà chỉ chê trách nhẹ nhàng, sâu sắc khiến cho tôi phải nhớ. Thêm một kỷ niệm về tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của anh đối với tôi là đầu tháng 2/2000, khi một số phần tử phản động FULRO lưu vong tạo dựng tổ chức “Tin Lành Đề ga” kích động những người nhẹ dạ cả tin tham gia một số cuộc gây rối ở Tây Nguyên, anh Xuân Xe gọi tôi từ Quảng Ngãi về Nha Trang để phân công nhiệm vụ công tác dài ngày ở Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk. Anh dặn dò tôi phải bám sát Công an các đơn vị, địa phương, nắm thông tin chi tiết, cẩn trọng trong từng câu chữ khi viết bài đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, phản bác những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động đồng bào dân tộc thiểu số đòi lại đất ở Tây Nguyên để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga” trái pháp luật…Điều bất ngờ là trước khi lên xe khách khởi đầu hành trình Nha Trang – Pleiku, anh Xuân Xe không chỉ tặng tôi một cuộn phim Konica, mà còn dúi vào tay hai lọ thuốc cảm sốt anh vừa xin được từ Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa.

Giữa năm 2001, tôi cùng anh Xuân Xe ra Đà Nẵng mấy ngày liền liên hệ các cơ quan chức năng lập thủ tục mở VPTT Báo CAND tại Đà Nẵng. Tôi nhớ anh Xuân Xe đã “gõ cửa” phòng ông Nguyễn Bá Thanh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ để tranh thủ ý kiến chỉ đạo giải quyết các thủ tục nhanh gọn. Và khi VPTT tại Đà Nẵng hình thành do nhà báo Xuân Xe đảm nhhiệm Trưởng Văn phòng từ giữa tháng 8/2001, thì VPTT miền Trung – Tây Nguyên trước đó chuyển thành VPTT tại Nha Trang do nhà báo Lương Công Trường đảm trách. Cả hai đều trực thuộc Cơ quan đại diện Báo CAND tại phía Nam một thời gian dài, thì VPTT tại Đà Nẵng mới chuyển giao cho Ban thư ký Tòa soạn, còn anh Xuân Xe được điều động, bổ nhiệm Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo CAND tại phía Nam.

Trước khi về TP Hồ Chí Minh, tôi với anh Xuân Xe còn may mắn được Ban Biên tập danh cho hai suất tham quan Hồng Kông vào đầu tháng 12/2011 cùng đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân và một số cán bộ công chức tỉnh Khánh Hòa. Với cá tính vui vẻ, hài hước, nên hai giờ hơn trên chuyến bay Vietnam Airline từ sân bay Tân Sơn Nhất sang phi trường quốc tế Chek Lap Kok – Hồng Kông và trong suốt hành trình 7 ngày du lịch các điểm đến Lam Chau, Lantau, Kowloon, Tsing Yi, Ma Wan…anh Xuân Xe luôn mồm đùa vui “Biết trước thế này thì anh với chú tranh thủ một khóa giao tiếp Anh ngữ cấp tốc nhỉ”. “Hay xong chuyến này ta về đi học tiếng Anh, biết đâu mai kia mốt nọ lại được đi…Pháp”…

Gắn bó với nhau trong nhiều năm, từ công tác, sinh hoạt cho đến những cuộc nhậu “cạn chén, sạch bia”, nhưng lạ một điều là đến khi nghe tin anh mất tôi dò tìm trong trí nhớ và cả ổ cứng dữ liệu vẫn không thấy một bức ảnh nào chụp chung với anh Xuân Xe. Một vài ảnh chụp chung trong chuyến đi Hồng Kông cũng đã biến mất cách đây ba năm khi ổ cứng máy tính vấp phải sự cố kỹ thuật. Chợt nhớ anh vẫn thường tếu táo nói vui với tôi “Chú thấp bé nhẹ cân mà đứng bên anh thì hỏng cả ảnh, lệch cả đội hình” vì vóc dáng của anh cao khỏe, tưởng chừng không dễ gì bệnh tật tìm đến được. Vậy mà quy luật sinh – tử đã đưa anh về miền mây trắng khi đang ở độ tuổi 67.

Tản mạn vài câu chuyện về anh thay cho nén hương lòng thành kính tiễn biệt Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Xe – một người anh thân thương trong nghề báo lẫn trong những chuyện đạo và đời mà một thời tôi cùng nhiều đồng nghiệp ở Báo CAND đã gắn bó.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/thuong-nho-nha-bao-xuan-xe--nguoi-anh-mot-thoi-gan-bo-voi-chung-toi--i688181/