Thương nhớ nẻo về

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng 'Có những điều khi bản thân thật sự trải qua rồi mới cảm thấy thấm thía'. Năm nay, cũng là năm đầu tiên tôi thấm thía, nếm trọn cảm giác khắc khoải khi trông cuốn lịch nặng nề bị lật giở từng trang. Cũng chưa bao giờ như năm này, tôi mong cho nhanh đến tết.

Ngày ở nhà, tôi không thích tết bởi phải gánh trên vai trách nhiệm của một người phụ nữ đã có gia đình và bị ràng buộc bởi lễ tết với những nghi thức “rườm rà” khiến tôi cảm thấy mình kiệt sức. Nghĩ đến cha mẹ từng ấy năm nhọc nhằn lo cho đàn con 6 đứa mà tết nhất tuyệt không ca thán gì, tôi lại thấy cha mẹ mình thật vĩ đại.

Cho đến khi 28 tuổi, tôi lần đầu tiên rời nhà đi xa, bỏ lại con thơ cho cha mẹ chăm sóc để hoàn thành nốt tâm nguyện còn dang dở. Khoảng cách trường học và nhà gần 2 nghìn cây số, tôi nhẩm tính và quặn thắt ruột gan khi một năm, tôi chỉ được về nhà hai lần vào dịp hè và tết, thấm thía xiết bao cảnh mong ngóng đêm ngày cho guồng thời gian nặng nhọc xoay vần, Đông hết, Xuân sang, tết đến, tôi được về nhà quây quần trong không khí thân thương của gia đình, được ôm ấp con trong lòng cho thỏa nỗi khát khao nhung nhớ.

Bé con tôi luôn hỏi mẹ “Bao giờ mẹ về?”. Tôi ngậm ngùi gạt ngang nước mắt: “Tết, tết mẹ về với con”. Bé con xòe hết hai bàn tay ra đếm và òa khóc: “Tết còn lâu lắm”. Bao đắng đót, xót xa tôi nuốt hết vào trong lòng, chỉ biết an ủi con vài câu nức nở không tròn tiếng. Tết ơi! Từ bao giờ trong tôi đã trở thành niềm khát khao sâu đậm thế.

Bước sang tháng củ mật, nỗi chờ mong sum vầy tụ họp lại cựa mình thổn thức. Trên phố, tôi thường bị “ngây” ra khi thấy người ta chọn đào lựa quất, thấm thía phận mình và những cảnh đời tha hương trôi dạt ngày ngày khắc khoải gửi phận mình vào vòng xoay phố thị. Hoa Xuân e ấp dưới màn mưa bụi lất phất bay, người ra phố mang Xuân về nhà. Còn người đem Xuân về với phố bộn bề trong công cuộc mưu sinh. Sớm lắm cũng phải trưa 30, hoa Xuân đã hết, phố vắng người thưa bởi “khách” đã sum vầy bên mâm cơm tụ họp. Pháo hoa đì đùng rộn rã, sáng rực thinh không cũng là lúc cánh cổng quê hé mở và những người xa xứ quay về vào thời khắc vừa vào năm mới, xông đất nhà mình.

Tôi thấy mình là một sinh thể nhỏ cùng quẫy đạp trong dòng xoáy của những con người tha hương ấy, hồ hởi, chờ mong, sắt se, quặn thắt lại khi nghĩ về những ánh mắt luôn dõi chờ mong mỏi từ phía sau, bỏng cháy, rát rạt bờ vai và quặn cào trong gan ruột.

Ký ức tết xưa thổn thức cựa mình trong tâm tưởng, hạnh phúc ngọt ngào và nhói buốt cả niềm đau khi biết rằng mình đã có những khoảng trống thờ ơ, vô tâm vô tình như thế. Tôi hững hờ lướt qua vài giọt nước mắt rơi trên gò má chị mỗi đêm Giao thừa rợp trời pháo nổ. Chị lấy chồng, đi xa, lâu lắm không có cái tết nào được về cùng cha mẹ. Thời khắc chuyển giao, vui buồn xen nhau rợp rờn tâm tưởng, câu chúc cha mẹ bình an, mạnh khỏe nghẹn ứ trong họng, giọt nước mặn đắng rơi trước khi mẹ nghẹn ngào nhắn chị ra Giêng bớt việc rồi về.

Khoảnh khắc ấy, tôi xuề xòa gạt ngang dòng thổn thức: “Đầu Xuân năm mới mà nước mắt ngắn dài, lại xui rủi cả năm”. Mẹ lập cập xoa dịu lòng chị: “Thôi con, năm mới đến rồi mẹ chúc vợ chồng con và các cháu mạnh khỏe, vạn sự hanh thông, thuận buồm xuôi gió”.

Giữa sân, gió đêm Xuân vạt ngang ngọn đèn dầu lập lòe lửa đỏ, cha lầm rầm khấn vái tứ phương, hạt nổ, bỏng gạo, cháo trắng văng ra đầy ngõ. Niềm tin rằng đó là mâm lễ xoa dịu những hương hồn vất vưởng không nơi nương tựa. Bỏng nằm trên đất, lặng lẽ ngấm hơi sương nhạt màu, phình nở. Ngày bé, tôi hay nhặt những viên bỏng xanh đỏ tím vàng làm đồ chơi bán hàng cùng lũ trẻ. Mẹ mắng, bảo đó là những thứ đồ dành cho "người âm", tôi trộm nghĩ cho người ta rồi mà sao bỏng không bị mang đi mất. Lớn rồi mới hiểu, những viên bỏng xanh vàng khất thực đêm 30 có khác gì đâu những phận người xa xứ, thân xác nằm lại, nhưng hồn cốt đã lơ lửng hiến trọn cho một khoảng trời nào.

Tết này, chắc chắn đã khác tết xưa bởi những đủ đầy vật chất. Thế nhưng trong tôi, tết trở nên ý nghĩa hơn bởi những ước mong sum vầy, tụ họp. Nếu trong đời người không có một lần đi xa thì sẽ không thể nào thấm thía, khát khao đi để rồi về. Đào, quất, bánh chưng… đâu đâu cũng có, nhưng gian bếp nhà mình hẳn là rất thiêng liêng.

NGUYỄN THỊ HỒNG

Huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuong-nho-neo-ve-post724787.html