Thương nhớ Fidel Castro

Dẫu chỉ một lần gặp gỡ nhưng hình ảnh lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim nhiều người dân Quảng Trị, trong đó có các ông: Lê Văn Hoan, Dương Tú Anh, Hồ Sỹ Sô và bà Nguyễn Thị Hương. Hàng chục năm trôi qua, tình cảm của họ dành cho vị lãnh tụ Cuba đã mãi mãi đi xa vẫn còn nguyên vẹn.

 Bà Nguyễn Thị Hương lưu giữ những hình ảnh về lãnh tụ Fidel Castro và những người bạn đến từ đất nước Cuba

Bà Nguyễn Thị Hương lưu giữ những hình ảnh về lãnh tụ Fidel Castro và những người bạn đến từ đất nước Cuba

Một buổi sáng đẹp trời vào tháng 9/1973, người dân sống tại huyện Cam Lộ, Gio Linh và thị xã Đông Hà trước đây được thông báo tập trung ở hai bên đường từ khu vực Căn cứ Dốc Miếu đến Quán Ngang, ở trụ sở Tỉnh ủy và Căn cứ 241 để đón đoàn đại biểu quốc tế. Khi tề tựu đông đủ, bà con mới được thông báo “đại biểu quốc tế” chính là Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ngay lập tức, tiếng hò reo vang dội như phút giây nhận tin thắng trận. Từ lâu, tình cảm, sự giúp đỡ chí tâm, chí tình của lãnh đạo và nhân dân đất nước Cuba anh em dành cho Việt Nam đã được người dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng ghi khắc. Ai cũng mong một lần được thấy lãnh tụ Fidel bằng xương, bằng thịt.

Lãnh tụ Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Không ngại bom đạn còn sót lại ngỗn ngang ở mảnh đất vừa mới giao tranh ác liệt, Fidel Castro đi qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử Mắc namara, thăm Đông Hà, rồi ngược lên đường 9 đến Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sau đó tham dự lễ mít tinh. Tại Cao điểm 241 ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, Chủ tịch Cuba phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hiên ngang đạp lên nòng pháo được mệnh danh là “Vua chiến trường” của quân đội Mỹ. Đặc biệt, trong buổi mít tinh, Fidel Castro đã bày tỏ sự vui mừng khi vượt nửa vòng trái đất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Với chất giọng hào sảng, ông nói: “Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba đến miền Nam Việt Nam vào một ngày đẹp trời. Ánh mặt trời chói lọi ở phương Đông chiếu sáng núi đồi, đồng ruộng. Ánh nắng ban mai làm cho tôi nghĩ đến tương lai Việt Nam cũng đẹp và rạng rỡ như ngày hôm nay”.

Đến giờ, những kí ức về chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro vẫn hằn sâu trong tâm trí nhiều người dân Quảng Trị, trong đó có ông Dương Tú Anh, bấy giờ là Phó Bí thư Huyện ủy Cam Lộ và ông Lê Văn Hoan, lúc đó đảm nhận trọng trách Bí thư Huyện ủy Hải Lăng. Ông Dương Tú Anh kể: “Để đảm bảo an toàn, trước đó, chỉ một số lãnh đạo cốt cán của tỉnh, huyện biết thông tin lãnh tụ Fidel Castro đến vùng giải phóng Quảng Trị. Đêm ấy, ai cũng trông trời mau sáng. Đến giờ, tôi vẫn không quên hình ảnh đoàn xe của lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi giữa rừng cờ hoa cùng tiếng reo hò không dứt”. Về phần mình, ông Lê Văn Hoan ấn tượng mãi với bài diễn thuyết của lãnh tụ Cuba Fidel Castro. “Ông nói bộ nhưng rất khúc chiết, rành mạch. Giọng của ông hào sảng như chạm vào trái tim mỗi người. Ai ai cũng lặng đi vì xúc động. Không gian thực sự vỡ òa khi Fidel nói lên niềm tin của mình về tương lai đất nước Việt Nam”, ông Hoan chia sẻ.

Khác với ông Dương Tú Anh và Lê Văn Hoan, ngoài kí ức, ông Hồ Sỹ Sô (79 tuổi), hiện sống tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh may mắn vẫn còn lưu lại những hình ảnh ấn tượng của Fidel Castro. Theo dòng kí ức, ông Sỹ Sô kể về nhiệm vụ đặc biệt được Bí thư Tỉnh ủy thời bấy giờ phân công: “đến đâu, gặp ai thì lúc lên đường sẽ biết”. Sau 5 ngày bồn chồn chờ đợi, nhiếp ảnh gia Sỹ Sô nhận thông báo lên đường vào một buổi sáng nắng ấm. Khi đoàn đến Đồn An ninh Biên phòng, ông xuống xe và khá bất ngờ vì thấy mọi người đã chuẩn bị cờ hoa, đón chào sự kiện gì đó. Bỗng có một đoàn xe từ Quảng Bình chạy vào, các lãnh đạo tỉnh tiến gần chiếc xe thứ ba. Hai cánh cửa cùng mở, nhiếp ảnh gia Sỹ Sô ngạc nhiên vô cùng khi thấy Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước xuống. “Ấn tượng đầu tiên của tôi là Fidel Castro có đôi mắt rất sáng và ấm áp. Nhìn vào đó, ai cũng có thể cảm nhận tấm lòng vị lãnh tụ. Tôi phải tự nhắc mình kiềm chế sự xúc động để lưu giữ thời khắc lịch sử này”, ông Sỹ Sô bồi hồi kể.

Trong các nhân chứng lịch sử từng gặp Fidel Castro, bà Nguyễn Thị Hương (62 tuổi), hiện trú tại Phường 1, thành phố Đông Hà có lẽ là người đặc biệt nhất. Chính lãnh tụ Cuba đã cứu sống bà. Bấy giờ, bà Hương đang là một đoàn viên tuổi 17, cùng mọi người san lấp hố bom trên tuyến Quốc lộ 1. Nụ cười trên môi bà vụt tắt khi lưỡi cuốc va vào quả bom bi phát nổ. Trong giây phút đau đớn, hoảng loạn, bà Hương lờ mờ thấy một người cao lớn đến gần hỏi thăm. Mãi đến khi tỉnh dậy trong bệnh viện, bà mới biết thời điểm ấy đoàn xe chở Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi ngang. Chủ tịch Fidel đã cho xe dừng bánh, xuống đường để đưa bà Hương đến Bệnh viện A Vĩnh Linh. Lúc hay tin bệnh viện hết máu dự trữ, ông liền điều động ô tô ra Quảng Bình mang máu về để cứu sống bà. Trở về nhà sau gần một tháng điều trị, bà Hương không thể tin vào mắt mình khi nhận được món quà từ Chủ tịch Fidel Castro. Nhiều phái đoàn Cuba sang thăm Việt Nam cũng ghé nhà, thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch Fidel Castro cho gia đình bà. Năm 1985, vị lãnh tụ đáng kính mời bà Hương sang Cuba để kiểm tra sức khỏe. Vì con còn quá nhỏ nên bà đành bỏ lỡ cơ hội diện kiến, trực tiếp gửi lời cảm ơn người đã “tái sinh” mình.

Thời gian thấm thoát trôi, dẫu trải qua bao thăng trầm nhưng những người dân Quảng Trị, trong đó có các ông Lê Văn Hoan, Dương Tú Anh, Hồ Sỹ Sô và bà Nguyễn Thị Hương vẫn không quên ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự kiện này mang ý nghĩa quốc tế này không chỉ khẳng định vị thế cách mạng Việt Nam mà còn là thông điệp đẹp về tình hữu nghị. Từ đây, mối quan hệ Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt. Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Lê Văn Hoan sau này giữ chức vụ Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba rất vui mừng khi có cơ hội vun đắp mối tình hữu nghị ấy. Ghi lại những hình ảnh đẹp về chuyến thăm của lãnh tụ Cuba, năm 2011, nhiếp ảnh gia Sỹ Sô đã tổ chức thành công triển lãm ảnh về chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro. Chưa đầy 2 năm sau, ông ra mắt cuốn sách ảnh “Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973”. Với tất cả sự tôn kính, ông Sỹ Sô đã gửi cuốn sách ảnh cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao Cuba để tặng lãnh tụ nước bạn. Ngày Fidel Castro qua đời, từ Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Hương ra Hà Nội xin vào Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam thắp nén hương. Bà Hương kể: “Nghe cảnh vệ báo có người được lãnh tụ Fidel Castro cứu sống trước đây từ Quảng Trị ra xin vào viếng, các cán bộ công tác ở Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam ra đón tôi rất đông. Họ ân cần đưa tôi vào thắp nén hương thơm cho người cứu sống mình và mời viết đôi dòng. Xúc cảm trào dâng khiến tôi ngất đi trong vòng tay của mọi người. Sau này, về nhà, tôi đã lập bàn thờ để hương khói cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro”.

Đến nay, gần 3 năm đã trôi qua kể từ ngày Fidel Castro mãi mãi đi xa nhưng hình ảnh của ông luôn in sâu trong trái tim nhiều người dân Quảng Trị.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142269