Thương nhân Trung Quốc tăng nhập gạo tiểu ngạch

(TBKTSG Online) - Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cho biết, thay vì nhập khẩu chính ngạch như năm trước, thương nhân Trung Quốc đã chuyển sang tăng nhập khẩu tiểu ngạch. Điều này làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay.

Phạm Thái

Nông dân thu hoạch lúa trên đồng. Ảnh minh họa: TC.

>>> Quốc hội yêu cầu minh bạch giá thành điện

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) mới đây đã tiếp tục giảm dự báo xuất khẩu gạo từ 7,2 triệu tấn xuống còn 6,7 triệu tấn, giảm đến 1 triệu tấn so với khối lượng xuất khẩu năm 2012. Tuy nhiên hiệp hội này cũng nêu chú ý đây là xuất khẩu chính ngạch, vì nếu cộng thêm xuất khẩu tiểu ngạch, chủ yếu sang Trung Quốc, dự tính khoảng 1,5 triệu tấn thì năm nay sẽ có sản lượng xuất khẩu cao kỷ lục.

Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng 10-2013 đã tăng đáng kể vì biến động trong khoảng 30-40 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm, chủ yếu do giá trong nước tăng từ xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc.

Theo VFA, vấn đề chính của Việt Nam là cân đối xuất khẩu hạn chế do nguồn cung cấp không còn nhiều, ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu qua biên giới trong thời gian qua. Trong 10 tháng đầu năm, theo thống kê chính thức, thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty Gạo Việt cho biết, các thương nhân Trung Quốc đã thay đổi phương thức nhập khẩu, thay vì nhập khẩu chính ngạch, tức là hàng hóa có tờ khai hải quan, vận chuyển qua các cảng ở khu vực miền Tây và TPHCM, họ chuyển sang nhập khẩu tiểu ngạch. Nếu như năm trước toàn là các doanh nghiệp cỡ lớn của Trung Quốc sang giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp thì năm nay người mua chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ nhỏ.

“Theo tìm hiểu thêm của tôi thì hiện nay Trung Quốc đã ngưng cấp hạn ngạch nhập khẩu chính thức, do vậy, thương nhân của họ tìm đến nhập khẩu tiểu ngạch", ông nói.

Ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho biết, hiện đang có hiện tượng thương nhân phía Bắc đến tận kho các nhà máy xay xát mua gạo để chở ra phía Bắc, vừa để tiêu thụ cho thị trường các tỉnh phía Bắc và một phần lớn để dành cho xuất khẩu. Giá lúa gạo nội địa vì thế đã tăng lên khá nhanh trong thời gian gần đây.

Theo ông Vân, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở phía Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc vì một mặt nếu xuất khẩu chính ngạch thì giá bán lại thấp, thấp hơn so với giá thành hiện nay. Mặt khác, nếu xuất khẩu tiểu ngạch lại ngại rủi ro vì phải thông qua nhiều khâu trung gian, chưa kể khâu thanh toán phức tạp, nhiều rủi ro.

Ông Long cho hay gạo xuất khẩu 5% tấm (giá FOB-giao hàng tại mạn), loại gạo được các thương nhân Trung Quốc ưa chuộng nhất hiện nay có giá thành khoảng 410-415 đô la Mỹ/tấn nhưng chỉ trả giá 370 đô la Mỹ/tấn.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/nongsan/tintucthitruong/105521/