Thương mại Trung Quốc ổn định hơn trong tháng 8

Dữ liệu chính thức được công bố ngày 7/9 cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2023 ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đều ghi nhận sự cải thiện so với tháng 7.

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu tính bằng đồng USD của Trung Quốc giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện xu hướng xuất khẩu suy giảm ghi nhận được từ tháng 4 trước đó, do nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc suy yếu. Tuy nhiên con số này vẫn tích cực hơn so với dự báo giảm 9,2% được đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters và được cải thiện rõ ràng so với ngưỡng sụt giảm 14,5% trong tháng 7 trước đó.

Tương tự, nhập khẩu tính bằng USD của Trung Quốc cũng giảm 7,3% trong tháng 8/2023 so với một năm trước nhưng tốt hơn dự báo giảm 9% của Reuters và được cải thiện so với mức suy giảm 12,4% của tháng 7.

Về các thị trường cụ thể, tính toán của CNBC thông qua Wind Information cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tính bằng đồng USD đã giảm 9,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện dấu hiệu tích cực so với mức sụt giảm 20% trong 2 tháng trước đó. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 7,9% trong tháng 8/2023 nhưng cũng ghi nhận những dấu hiệu ổn định so với mức suy giảm 2 chữ số ghi nhận vào tháng 7.

Đối với thị trường Đông Nam Á, xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực này giảm 13,3%, trong khi nhập khẩu giảm 6,1% trong tháng 8 so với một năm trước. Cả 2 chỉ số này đều được cải thiện so với tháng trước đó. Tính trên cơ sở quốc gia, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khi ASEAN là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trên cơ sở khu vực.

Nhận định về các con số, CNBC trích dẫn ông Hao Zhou, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International, cho biết: “Nhìn chung, các số liệu cho thấy những trở ngại vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp một số cải thiện nhỏ”. Ông nhận định trong tương lai, việc dự đoán thương mại Trung Quốc đã chạm đáy hay chưa sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu nội địa.

Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, cũng đồng ý với nhận định trên khi cho biết: “Dữ liệu thương mại tốt hơn một chút nhưng trên thực tế vẫn đang suy giảm”. Ông khẳng định: “Tình hình có dấu hiệu ổn định nhưng tôi cho rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã chậm lại trong vài tháng qua, do thị trường bất động sản u ám và chi tiêu tiêu dùng mờ nhạt. Xuất khẩu ô tô vẫn là điểm sáng của nước này nhưng với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong tháng 8. Cụ thể, dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của ngành đã tăng 69% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022. Con số này giảm so với mức tăng 74,1% được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến tích cực hơn được đưa ra về tình hình thương mại Trung Quốc những tháng cuối năm 2023. Theo Reuters trích dẫn ông Nie Wen, chuyên gia kinh tế tại Hwabao Trust, “do nền tảng thấp vào cuối năm ngoái, rất có thể xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023”.

Bắc Kinh cũng đã công bố một loạt biện pháp trong những tháng gần đây để thúc đẩy tăng trưởng, ví dụ như việc ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính hàng đầu quốc gia nới lỏng một số quy định vay vào tuần trước để hỗ trợ người mua nhà.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thuong-mai-trung-quoc-on-dinh-hon-trong-thang-8-post26574.html