Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng đắt giá, trị giá 498,13 tỷ USD

Trong 5 năm qua, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số và đã đạt 498,13 tỷ USD năm 2023.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng tăng

Sáng nay (16-4), Bộ Công Thương khai mạc tuần lễ “Thương hiệu quốc gia” và diễn đàn “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” năm 2024. Đây là năm thứ 16 chương trình “Thương hiệu quốc gia” được tổ chức.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo đánh giá của tổ chức quốc tế, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023.

Năm 2023, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022. “Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tầm vóc của Việt Nam”- ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tổ chức ITC- WTO đánh giá, Việt Nam có nhiều ngành hàng xuất khẩu uy tín trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng trong “top 10” như: da giày; trà- cà phê; gạo, dệt may, thủy sản, máy móc- linh kiện thiết bị, đồ gỗ và cao su.

Tương tự, tổ chức Brand Finance lại đánh giá cao giá trị các thương hiệu viễn thông, ngân hàng của Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh- Giảng viên Đại học Thương mại cho biết, hiện trên thế giới có hơn 100 quốc gia có lộ trình xây dựng thương hiệu quốc gia khác nhau. Việt Nam lựa chọn cách đi “nhẹ nhàng” hơn là xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên thương hiệu sản phẩm.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng thương hiệu nhưng có một điểm nghẽn là nhân lực cho hoạt động, quản trị, xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế”- ông Nguyễn Quốc Thịnh nói.

Chia sẻ về cách thức xây dựng thương hiệu nổi tiếng, ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc Công ty CP May 10 cho biết, 80% hàng hóa của May 10 phục vụ xuất khẩu. Nói đến May 10 là khách hàng sẽ liên tưởng đến ngay thương hiệu may mặc đồ công sở, veston và gia công cho nước ngoài.

“Thương hiệu đối với May 10 rất đơn giản, đó là khi khách hàng quốc tế đến sân bay Nội Bài, muốn đặt hàng áo sơ mi, veston thì nghĩ ngay đến May 10. Đó chính là thương hiệu. May 10 là thương hiệu top đầu nên đang được hưởng giá trị do thương hiệu mang lại”.

Dù vậy, theo ông Thân Đức Việt, một trong những yếu tố để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu là phải đổi mới sáng tạo. Mới đây, May 10 đã cho ra đời sản phẩm mang tên quốc tế, xuất khẩu đi nước ngoài. “Đây là sản phẩm “made in Vietnam”, là hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, không phải gia công, thoát khỏi cái “khuôn” cứ nói đến May 10 là nghĩ tới gia công và đồ công sở. Nói cách khác, đây là cách làm trẻ hóa một thương hiệu “già”- ông Thân Đức Việt cho hay.

Theo Tổng giám đốc May 10, để xây dựng thương hiệu thì doanh nghiệp phải hoặc tạo ra sự khác biệt, hoặc phải luôn đi đầu. “Trên thực tế thì đi đầu cũng luôn khác biệt”- ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Arghya Mandal – Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa TH (Tập đoàn TH), TH đã “ghi dấu” ở thời điểm năm 2008 khi thông tin sữa Trung Quốc nhiễm Melamine có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em. Nhà sáng lập của TH True milk quyết tâm phải làm ra ly sữa tươi, sạch, chuẩn quốc tế vì tầm vóc Việt.

“Thời điểm đó, thị trường sữa nước Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại, việc ghi nhãn sữa còn nhập nhèm, thiếu minh bạch. TH đã tham gia hàng chục cuộc hội thảo, thảo luận đấu tranh nhằm minh bạch nhãn sữa, và TH trở thành thương hiệu đầu tiên được phép ghi trên bao bì là sữa tươi sạch. Đến nay, sữa nước chế biến từ sữa tươi đã đạt tỷ lệ gần 48%, trong đó TH chiếm tới 45% thị phần trong phân khúc”- đại diện TH True Milk cho biết.

Đại diện TH True Milk nhấn mạnh: “Thương hiệu doanh nghiệp là nền tảng của Thương hiệu Quốc gia. Một quốc gia tập hợp nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt và uy tín sẽ nâng cao hình ảnh và vị thế của chính quốc gia đó. Và thương hiệu muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của quốc gia thì cần phải được truyền thông lành mạnh, nghiêm túc và chân chính”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-ngay-cang-dat-gia-tri-gia-49813-ty-usd-post573544.antd