Thương hiệu quốc gia, vẫn chả thiết tha

(HQ Online)- Để xây dựng thương hiệu Việt Nam điều đầu tiên cần phải làm là gắn kết chương trình thương hiệu quốc gia (THQG) với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch.

Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương có sự tham gia của nhiều địa phương. Ảnh: Phan Thu.

Gần 70% doanh nghiệp không quảng bá trên website

Trong 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia thì có đến 44 doanh nghiệp không đưa logo chương trình lên website, trong đó 17/23 doanh nghiệp đạt 4 lần THQG, 10/11 doanh nghiệp đạt 3 lần THQG, 10/14 đạt 2 lần THQG, 7/15 đạt 1 lần THQG.

Chỉ có 19 doanh nghiệp đưa logo Chương trình lên website, trong đó 15 doanh nghiệp đưa ngay trang chủ (có 3 doanh nghiệp đặt đầu trang với kích cỡ to rõ là Doji, Hoa Sen, Duy Tân, còn lại kích cỡ logo khá nhỏ, mờ nhạt), 4 doanh nghiệp để trong phần giải thưởng hoặc giới thiệu thành tích.

Đã đi được chặng đường 13 năm, Chương trình THQG được triển khai với mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không chỉ dừng ở đây, ông Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia ban tư vấn Chương trình THQG, bộ môn quản trị thương hiệu- Đại học Thương mại Hà Nội còn cho biết, doanh nghiệp được bình chọn là THQG còn có thể gắn logo chương trình để minh chứng sản phẩm trên thị trường, giới thiệu cho bạn bè thế giới biết đến thương hiệu Việt Nam.

Nhưng đáng tiếc, số lượng doanh nghiệp chú ý đến vấn đề này còn rất ít. Số liệu do ông Thịnh công bố tại Diễn đàn thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương ngày 13-7 cho thấy, trong 63 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia thì có đến 44 doanh nghiệp không đưa logo chương trình lên website, trong đó 17/23 doanh nghiệp đạt 4 lần THQG, 10/11 doanh nghiệp đạt 3 lần THQG, 10/14 đạt 2 lần THQG, 7/15 đạt 1 lần THQG.

Chỉ có 19 doanh nghiệp đưa logo Chương trình lên website, trong đó 15 doanh nghiệp đưa ngay trang chủ (có 3 doanh nghiệp đặt đầu trang với kích cỡ to rõ là Doji, Hoa Sen, Duy Tân, còn lại kích cỡ logo khá nhỏ, mờ nhạt), 4 doanh nghiệp để trong phần giải thưởng hoặc giới thiệu thành tích.

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là một giải thưởng mà là một kênh giúp doanh nghiệp có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được chứng minh về chất lượng của mình đến người tiêu dùng, đến đối tác, rộng hơn là đến thị trường quốc tế.

Chính vì thế Chương trình THQG còn có một mục tiêu khá quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, việc kết nối Chương trình THQG với địa phương theo ông Thịnh dù đã làm nhưng còn rất kém. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng gần như không mang bất kỳ thương hiệu nào từ con cá, cho đến lúa gạo, các loại hoa quả… đều mang thương hiệu khác.

“Rất khó để Việt Nam có một thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste... Vì vậy chúng ta phải đoàn kết nhau lại, phải làm thế nào để khi người ta cầm một sản phẩm lên là biết nó được sản xuất ở Việt Nam, từ đó tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Thịnh chia sẻ.

Kết hợp với du lịch

Chưa bàn đến việc xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế, việc dễ làm nhất mà chúng ta có thể làm ngay lúc này là giới thiệu các sản phẩm địa phương gắn với điểm đến du lịch của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sắc của các địa phương. Việc gắn kết du lịch với sản phẩm địa phương sẽ giúp thương hiệu sản phẩm được biết đến nhanh hơn khi khách du lịch đến trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều “tài nguyên” của Việt Nam.

Một lần nữa ông Thịnh lại tỏ ra luyến tiếc khi 63 doanh nghiệp đạt THQG mới chỉ có 2 thương hiệu liên quan đến du lịch. Các địa phương có rất nhiều tiềm năng, nhưng hiện chỉ mới khai thác ở dạng thô, tức là khai thác những cái sẵn có, chứ chưa đầu tư nhiều vào những tiềm năng này.

Vị chuyên gia còn chia sẻ thực tế này bằng chính kinh nghiệm thực tế của mình: “Mỗi chuyến đi du lịch, tôi khá vất vả khi tìm kiếm thông tin trên mạng. Danh sách nhà nghỉ ở Hà Giang chẳng hạn, toàn là số cố định mà khi gọi thì không có ai nghe máy. Giới thiệu món ăn cũng chỉ quanh đi quẩn lại những thứ nhàm chán, như là xúc xích nướng, thịt hun khói... Như vậy làm sao quảng bá được, làm sao hấp dẫn khách đến được?”.

Ngoài ra, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, ví như để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xay-dung-thuong-hieu-bang%e2%80%a6-du-lich.aspx