Thượng Hải không còn là 'thành phố ma' trong ngày Tết

Trước đây, Thượng Hải thường được ví như 'thành phố ma' mỗi dịp Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, khung cảnh đã thay đổi.

Chiều 28 tháng Chạp, tiệm làm tóc của Zhuang Junfei ở Thượng Hải chật kín khách hàng muốn làm đẹp để chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến.

Theo Sixth Tone, thực tế việc cắt tóc ngày cuối năm để chào đón năm mới là một phong tục truyền thống của người dân Trung Quốc. Zhuang và người phụ việc của anh cùng làm việc với 3 khách một lúc để đảm bảo ai cũng được cắt tóc kịp thời.

 Nhiều người chọn ở lại thành phố để tránh dich bệnh lây lan.

Nhiều người chọn ở lại thành phố để tránh dich bệnh lây lan.

Nhưng năm nay kỳ nghỉ lễ mang một cảm giác rất khác. Những năm trước, Zhuang sẽ lên tàu vào sáng 29 để trở về quê nhà Quý Châu, cách Thượng Hải 600 km để đón Tết cùng gia đình. Năm nay, anh quyết định ở lại, lần đầu đón Tết xa.

"Tôi sẽ không về nhà. Vì sẽ quá nhiều rắc rối cho vùng nông thôn", người đàn ông 34 tuổi nói về quyết định "ở yên" để ngăn dịch bệnh lây lan.

Đón Tết tại chỗ

Nhiều người khác cũng có cùng lựa chọn như Zhuang. Tết Nguyên đán thường là dịp Thượng Hải biến thành "thành phố ma" vắng bóng người, khi hàng triệu người là dân nhập cư sẽ về quê hoặc đi thăm họ hàng suốt cả tuần nghỉ lễ.

Năm nay, dịch Covid-19 khiến nhiều người phải hủy bỏ kế hoạch ngày Tết.

Các nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân "ăn mừng năm mới tại chỗ". Những người muốn về quê phải xét nghiệm và có kết quả âm tính trước khi rời thành phố, đồng thời tuân thủ theo dõi sức khỏe 14 ngày sau khi trở về, tránh tụ tập đông người.

Bộ Giao thông vận tải của Trung Quốc hy vọng số lượng các lượt di chuyển trong đợt xuân vận năm nay - thời kỳ cao điểm cho việc đi lại vào lễ hội mùa xuân - được giảm xuống còn 1,15 tỷ, con số thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê từ năm 2003. Vé tàu và máy bay giảm xuống nhiều do nhu cầu đi lại thấp.

Zhuang cùng vợ và con trai 6 tuổi đã có dịp về quê trước khi các biện pháp giãn cách được áp dụng. Anh cho biết sẽ dành những ngày nghỉ sắp tới ở quận Mẫn Hàng, Thượng Hải.

Khoảng một nửa đồng nghiệp của anh cũng lên kế hoạch tương tự. Những người làm tóc ở lại đã sắp xếp để hẹn nhau dùng bữa vào tối giao thừa. Tình hình vẫn khó khăn, nhưng đã tốt hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái, khi các thành phố của Trung Quốc hầu như bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh.

"Dù đón năm mới ở đâu, mọi thứ vẫn ổn. Ít nhất thì tiệm làm tóc không đóng cửa và không thất thu như năm ngoái".

 Dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt song tình hình đã khá hơn thời điểm này năm ngoái.

Dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt song tình hình đã khá hơn thời điểm này năm ngoái.

Không muốn gây rắc rối

Cách trung tâm quận Trường Ninh 15 km, chủ cửa hàng tiện lợi Wang Fei cũng cho biết cô không hối hận khi chọn ở lại thành phố vào dịp Tết Nguyên đán.

"Thật tuyệt khi mọi người ở lại Thượng Hải và đến cửa hàng của tôi để mua đồ dùng hàng ngày".

Người phụ nữ 46 tuổi, quê ở tỉnh Giang Tây, đã quyết định mở cửa kinh doanh suốt kỳ nghỉ lễ và nhờ chồng, con trai cùng con dâu giúp bán hàng.

"Chúng tôi sẽ trở về nhà khi dịch bệnh ổn hơn để không gây rắc rối cho người dân địa phương", cô nói.

Thông thường, hoạt động kinh doanh rất ảm đạm trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng Wang cho biết lượng khách hàng không thay đổi nhiều trong năm nay.

Li Rui, sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Thượng Hải, đã bay về quê nhà Đại Khánh vào ngày 5/2. Ban đầu cô dự định bay về nhà sau kỳ thi cuối cùng vào ngày 24/1, nhưng đã phải hoãn hành trình nhiều lần do đợt bùng phát Covid-19 ở Đại Khánh.

Khi đến sân bay Đại Khánh, cô cảm thấy hơi xấu hổ khi trải qua một loạt cuộc kiểm tra. "Tôi cảm thấy như mình đã không hưởng ứng lời kêu gọi của quốc gia về đón Tết tại chỗ và đang gây rắc rối cho những người khác", Li nói.

Tuy nhiên, khi về đến nhà, Li thấy rằng tất cả đều xứng đáng. Cô đang phải cách ly 7 ngày, háo hức chờ được gặp bố mẹ, bà nội. "Tết là để đoàn viên", cô nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-hai-khong-con-la-thanh-pho-ma-trong-ngay-tet-post1183260.html