Thuốc trị lậu và Chlamydia

Lậu và Chlamydia là hai bệnh thường đi kèm với nhau gây viêm nhiễm ở cổ tử cung của phụ nữ và đường tiết niệu nam giới. Ngoài ra, bệnh cũng có thể thấy ở trực tràng và vùng hầu họng.

Lậu và Chlamydia là hai bệnh thường đi kèm với nhau gây viêmnhiễm ở cổ tử cung của phụ nữ và đường tiết niệu nam giới. Ngoài ra, bệnh cũng có thể thấy ở trực tràng và vùng hầu họng. Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, bệnh sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Những vấn đề về thuốc điều trị

Do vi khuẩn gây bệnh lậu kháng kháng sinh nhóm fluoroquinolone thường gặp ở các quốc gia như Mỹ, các đảo quốc ở Thái Bình Dương, châu Á và Anh, do đó khuyến cáo không dùng fluoroquinolones để điều trị lậu ở người đồng tính nam (MSM) hoặc bệnh nhân thuộc những vùng miền nêu trên trừ phi đã kiểm tra độ nhạy cảm với kháng sinh để có hướng điều trị. Tương tự, sự đề kháng của lậu cầu với azithromycin cũng đang trỗi dậy và chỉ dùng azithromycin để điều trị lậu cho bệnh nhân có chống chỉ định với các thuốc khác.

Một tế bào bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis trên kính hiển vi điện tử.

Do thường gặp nhiễm bộ đôi vi khuẩn, nên bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm lậu cầu hoặc Chlamydia cần được điều trị cho cả 2 loại vi khuẩn này, trừ khi đã xác định được là chỉ nhiễm có một loại. Tái nhiễm dễ xảy ra nếu tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Cần điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân trong vòng 60 ngày trước và sau chẩn đoán. Bệnh nhân cần kiêng giao hợp trong vòng 7 ngày điều trị.

Tuân thủ điều trị là cần thiết cho việc điều trị thành công. Để bệnh nhân dễ tuân thủ điều trị, nên chỉ định loại thuốc dùng liều duy nhất/ngày. Ngoài ra, cần xem xét các vấn đề khác là tình trạng kháng thuốc, chi phí điều trị, cơ địa dị ứng thuốc và tình trạng thai nghén.

Phương thuốc điều trị cụ thể

Điều trị lậu cầu

Các hướng dẫn điều trị hiện nay nhấn mạnh việc sử dụng ceftriaxone cho nhiễm lậu cầu ở bất kỳ vị trí nào và azithromycin hoặc doxycycline để cải thiện tỷ lệ chữa dứt điểm, giảm nguy cơ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng cephalosporin. Nhiễm lậu cầu ở vùng hầu là khó điều trị hơn so với những nơi khác. Bệnh nhân có phơi nhiễm với lậu cầu ở vùng hầu họng nếu có thể, nên được điều trị bằng ceftriaxone.

Nếu ceftriaxone không là chọn lựa thì có thể điều trị các thuốc sau cho nhiễm lậu niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng:

- Cefixime uống liều duy nhất, cộng với azithromycin hoặc doxycycline. Cefixime không đủ hiệu quả để điều trị lậu cầu vùng hầu họng.

- Tiêm liều cephalosporin duy nhất cộng với azithromycin hoặc doxycycline. Nhưng hiệu quả đối với lậu vùng hầu họng chưa rõ ràng.

Phác đồ thay thế (chỉ dùng cho nhiễm lậu cầu ở niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng; không đủ sức cho lậu vùng hầu họng), tùy theo từng bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định các loại thuốc: cefpodoxime uống liều duy nhất; cefuroxime axetil thuốc uống; spectinomycin tiêm bắp liều duy nhất; azithromycin uống liều duy nhất (cần chú ý đề phòng việc tạo ra chủng kháng thuốc).

Nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin thì chống chỉ định dùng cephalosporin.

Thuốc spectinomycin có thể được dùng cho nhiễm lậu cầu vùng niệu sinh dục hoặc trực tràng (không đủ sức cho lậu vùng hầu họng).

Khi dùng azithromycin cần cẩn thận do nguy cơ tạo chủng kháng macrolides.

Điều trị Chlamydia

Phác đồ khuyến nghị chung: azithromycin uống liều duy nhất hoặc doxycycline uống ngày 2 lần trong 7 ngày.

Khi phác đồ điều trị này không phù hợp, có thể thay thế bằng các thuốc khác: erythromycin uống ngày 4 lần trong 7 ngày hoặc erythromycin ethylsuccinate uống ngày 4 lần trong 7 ngày hoặc ofloxacin uống ngày 2 lần trong 7 ngày hoặc levofloxacin ngày 1 lần trong 7 ngày.

Điều trị lymphogranuloma venereum (LGV)

Các thuốc được chỉ định chính là doxycycline uống ngày 2 lần trong 21 ngày. Nếu bệnh nhân không uống được thuốc này, có thể chuyển sang thuốc erythromycin uống ngày 4 lần trong 21 ngày hoặc azithromycin uống mỗi tuần 1 lần trong 3 tuần (phác đồ này dữ liệu nghiên cứu hạn chế).

Ngoài ra, cần xét nghiệm tầm soát lậu cầu ở niệu đạo và cổ tử cung đối với bạn tình gần đây (trong vòng 6 ngày kể từ lúc khởi phát triệu chứng ở người bệnh) và điều trị với azithromycin uống liều duy nhất hoặc doxycycline uống ngày 2 lần trong 7 ngày.

Tầm soát bệnh như thế nào?

Cần kiểm tra cả bạn tình của bệnh nhân, điều trị theo kinh nghiệm nếu họ có quan hệ tình dục với người bệnh trong vòng 60 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng. Đa số các trường hợp tái nhiễm đều do bạn tình chưa được chữa trị lây nhiễm lại.

Nếu triệu chứng không giảm, cần đánh giá khả năng tái nhiễm, điều trị thất bại hoặc truy tìm các nguyên nhân khác. Nếu nghi ngờ điều trị thất bại, nên thực hiện kiểm tra độ nhạy cảm, cấy và làm kháng sinh đồ. Nên kiểm tra lại bệnh nhân nam giới 3 tháng sau khi điều trị.

Đối với thai phụ nhiễm Chlamydia, xét nghiệm lại 3 tuần sau khi hoàn tất điều trị (bằng cách cấy vi trùng).

Kiểm tra định kỳ Chlamydia, lậu, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Các vị trí lấy mẫu (ví dụ: họng, niệu đạo, hậu môn, cổ tử cung, trực tràng) sẽ được xác định tùy theo kiểu cách quan hệ tình dục của người bệnh.

Đánh giá về quan hệ tình dục của bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm HIV cùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, hướng dẫn bệnh nhân về tình dục an toàn để giảm thiểu rủi ro.

Thuốc gì cho thai phụ khi mắc bệnh?

Tránh dùng fluoroquinolones và tetracyclines cho phụ nữ mang thai.

Nếu thai phụ nhiễm lậu cầu thì được điều trị bằng cephalosporin hoặc azithromycin uống liều duy nhất. Còn đối với bệnh nhân nhiễm Chlamydia thì nên uống azithromycin liều duy nhất hoặc amoxicillin uống ngày 3 lần trong 7 ngày.

Các thuốc điều trị Chlamydia thay thế khi không dùng được các thuốc vừa nêu là erythromycin. Tùy theo hàm lượng mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc.

BS. Khanh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-lau-va-chlamydia-n18612.html