Thuốc phải đủ đắng!

Theo kế hoạch, năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước được giao nhập kho dự trữ 220.000 tấn gạo, nhưng hết năm mới thực hiện được 62% kế hoạch.

Minh họa/INT

4 năm trước, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sau khi trúng thầu cung cấp gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước một số khu vực nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đủ số lượng.

Cụ thể, năm 2020, số gạo kế hoạch dự trữ quốc gia mà Tổng cục Dự trữ Nhà nước đấu thầu ngày 12/3 là 190.000 tấn. Các doanh nghiệp đã tham gia và trúng thầu 178.000 tấn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu lại có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng với tổng số lượng lên đến 160.300 tấn.

Ngày 12/5/2020, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực phải mở thầu đợt 2 để mua bù số gạo trong lần đấu thầu ngày 12/3. Điều đáng chú ý là trong đợt mở thầu này, có 3 trong số 10 nhà thầu tham gia dự thầu tại Cục Dự trữ Nhà nước Hà Nội là các doanh nghiệp từng trúng thầu nhưng không ký hợp đồng bán gạo trong lần đấu thầu trước đó.

Lý do dẫn đến việc này được cho là bởi các doanh nghiệp trúng thầu phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập gạo của thương lái. Khi thị trường diễn biến bất thường sẽ không mua được gạo.

Nguyên nhân nữa có thể là các thương lái móc nối với doanh nghiệp ghìm giá, giữ gạo chờ tăng giá hoặc chờ bán cho đơn vị xuất khẩu, chấp nhận mất tiền bảo lãnh thầu hoặc tiền phạt.

Năm 2023, tình trạng này lại tiếp diễn khi có 3/6 nhà thầu chấp nhận vi phạm Luật Đấu thầu và bị phạt tiền khi từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo sau khi trúng thầu nhưng không cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

Trong khi theo kế hoạch, năm 2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước được giao nhập kho dự trữ 220.000 tấn gạo, nhưng hết năm mới thực hiện được 62% kế hoạch, tức còn hơn 83.197 tấn gạo chưa mua được.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp “đánh tháo” không giao gạo cho dự trữ quốc gia không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Thế nhưng chế tài xử lý lại rất “hạn chế”.

Ví dụ như trong “sự cố” hồi năm 2020, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho rằng, về nguyên tắc, doanh nghiệp đấu thầu gạo, khi trúng thầu và chưa ký hợp đồng nhưng vì nhiều lý do khác nhau không bán gạo cho dự trữ Nhà nước chỉ bị tịch thu tiền bảo đảm thầu...

Với “sự cố” năm 2023, đại diện một Cục Dự trữ Nhà nước khu vực cho rằng, đây là tình trạng chung vì giá gạo tăng cao, biến động thất thường. Có thời điểm trong khoảng 2 tuần giá gạo tăng vài nghìn đồng/1kg. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng đương nhiên sẽ bị lỗ nên chấp nhận mất tiền cọc, chấp nhận vi phạm Luật Đấu thầu để từ chối thực hiện hợp đồng.

Việc “đánh tháo” không cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia khi đã trúng thầu không đơn thuần là chuyện lãi lỗ của doanh nghiệp, mà đây là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực nên cần nhìn nhận ở góc độ rộng hơn đó là quản lý Nhà nước và trách nhiệm, đạo đức doanh nghiệp.

Như phân tích của một chuyên gia thì vì lợi nhuận nên doanh nghiệp có thể bỏ cọc và do mức phạt hiện nay còn quá thấp khiến họ sẵn sàng nộp phạt để bỏ thầu.

Bởi vậy, về phía quản lý Nhà nước cần có biện pháp chặt chẽ hơn, hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp không bỏ thầu, nhất là tham gia đấu thầu mua gạo phục vụ nhiệm vụ dự trữ lương thực cho quốc gia. Ở khía cạnh đạo đức, như vậy là không bảo đảm, sẽ nguy hiểm cho quốc gia.

Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, cần có chế tài mạnh hơn, hiệu quả hơn. Thuốc phải đủ đắng để giã được tật. Không thể để tình trạng này trở thành tiền lệ xấu.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuoc-phai-du-dang-post671004.html