Thuốc điều trị viêm nha chu

Viêm nha chu nếu không được điều trị sớm, đúng cách sẽ gây tổn thương xương và răng. Điều trị sai cách có thể dẫn đến nguy cơ mất răng, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim…

Những vi khuẩn gây viêm nha chu thường là những vi khuẩn có sẵn trong miệng. Do đó, khi kết thúc điều trị, những vi khuẩn tại chỗ này rất dễ quay trở lại tấn công.

Xử lý bề mặt chân răng không thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám dưới nướu cũng như những độc tố đã xâm nhập vào mô mềm. Do đó việc dùng thuốc điều trị là rất cần thiết trong viêm nha chu.

Kiểm tra sức khỏe răng định kỳ.

1. Thuốc kháng sinh thường dùng trị viêm nha chu

1.1. Penicillin (amoxicillin)

Tác dụng: Sử dụng trong điều trị viêm lợi, viêm nha chu, nhằm ngăn vi khuẩn sinh sôi, tồn tại và giảm nhiễm trùng. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn, giảm viêm chứ không tiêu diệt được vi khuẩn.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ: Buồn nôn, tiêu chảy cấp, khó chịu ở thượng vị.

1.2.Tetracycline (doxycycline)

Tác dụng:Đây là kháng sinh được sử dụng để giảm hoặc loại bỏ tạm thời vi khuẩn gây viêm nha chu. Thuốc hiệu quả trong điều trị viêm nha chu tái phát, viêm nha chu tấn công tại chỗ.

Tác dụng phụ: Tổn thương gan, tổn thương thận, quang độc tính, ảnh hưởng đến xương và răng, nhạy cảm thuốc, bội nhiễm.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc điều trị viêm nha chu nào.

1.3.Clindamycin

Tác dụng: Clindamycin có tác dụng kiềm khuẩn rất hiệu quả. Thuốc thường được sử dụng làm kháng sinh thay thế ở bệnh nhân dị ứng penicillin.

Tác dụng phụ: Có thể gây viêm loét đại tràng.

1.4.Erythromycin

Tác dụng: Thuốc có hiệu quả tương tự penicillin, được dùng khi bệnh nhân dị ứng với penicillin.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, kém ăn…

1.5.Azithromycin

Tác dụng: Thuốc có tác dụng kìm khuẩn bằng cách ngăn chặn sự tổng hợp các protein của vi khuẩn. Có thể sử dụng azithromycin trong điều trị viêm nha chu tấn công hoặc viêm nha chu mạn tính nặng.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như:Rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mệt mỏi, ngủ gà, chóng mặt, rối loạn nhịp tim…

1.6. Liệu pháp kháng sinh kết hợp

Vi khuẩn gây bệnh nha chu bao gồm các vi khuẩn gây bệnh khác nhau và có độ nhạy cảm khác nhau đối với từng kháng sinh, do đó việc sử dụng hai hoặc nhiều kháng sinh là một lựa chọn hữu ích trong điều trị bệnh này.

Việc kết hợp kháng sinh điều trị nha chu có tác dụng hợp lực, mở rộng phổ kháng khuẩn, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, kháng sinh kết hợp có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ, phản ứng đối kháng và điều trị thất bại.

Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.

1.7. Lưu ý khi dùng kháng sinh

Kháng sinh toàn thân

- Nên hạn chế kháng sinh toàn thân.

- Kháng sinh hiếm khi được sử dụng để tăng cường hiệu quả điều trị viêm nha chu mạn tính.

- Để loại bỏ vi khuẩn trong màng sinh học hiệu quả, thuốc kháng sinh phải được sử dụng kết hợp với điều trị cơ học.

- Không có thuốc kháng sinh đơn lẻ có thể ức chế được tất cả các mầm bệnh nha chu.

- Thuốc kháng sinh toàn thân có thể có tác dụng phụ không mong muốn.

Kháng sinh tại chỗ

Kháng sinh tại chỗ được ưu tiên hơn, do:

- Nồng độ kháng sinh tại chỗ cao hơn.

- Nồng độ kháng sinh hiệu quả được duy trì mà không phụ thuộc vào sự tuân thủ của bệnh nhân.

- Nồng độ kháng sinh hiệu quả có thể đạt được tại các vị trí khó tiếp cận.

- Giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn.

- Ít nguy cơ gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Việc kết hợp kháng sinh điều trị nha chu có tác dụng hợp lực, mở rộng phổ kháng khuẩn đồng thời ngăn ngừa sự phát triển vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, kháng sinh kết hợp có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ, phản ứng đối kháng và điều trị thất bại.

2. Các thuốc kháng viêm

Tác dụng: Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), như ibuprofen, có thể giúp tăng tốc độ phân giải viêm sau khi được loại bỏ cao và xử lý mặt chân răng. Các thuốc này có thể ức chế hoạt hóa các chất trung gian gây viêm.

Tác dụng phụ: Các tác dụng không mong muốn có thể gặp: Loét dạ dày, rối loạn đông máu, suy thận, ù tai, chóng mặt, nổi ban, ngứa…

Lưu ý: Thận trọng với các bệnh nhân có tiền sử dạ dày, dị ứng, suy gan, suy thận, người già, phụ nữ mang thai.

3. Thuốc gây tê tại chỗ

Tác dụng: Thuốc gây tê tại chỗ như lidocaine là một liệu pháp bổ trợ để kiểm soát cơn đau thông qua cơ chế làm giảm tính thấm các ion natri trong màng tế bào thần kinh. Khi dùng điều trị viêm nha chu, lidocaine giúp ức chế tín hiệu đau.

Tác dụng phụ: Cảm giác bỏng rát, tê nhẹ bề mặt được bôi thuốc.

Lưu ý, thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

4. Thuốc sát trùng

Tác dụng: Thuốc sát trùng rất hiệu quả trong việc điều trị viêm nha chu do tính chất diệt khuẩn, kìm khuẩn, loại bỏ và ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Các thuốc thường dùng là:Chlorhexidine 0,12 - 0,2%, KIN chlorhexidine digluconate 0,12%, povidine-Iodine 1%, NaOCl 0,5%.

Lưu ý: Không được uống thuốc sát trùng.

Tác dụng phụ: Đổi màu răng, rối loạn chức năng tuyến giáp nếu dùng thường xuyên với nồng độ cao.

Nên uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe răng miệng.

5. Các thuốc giảm đau

Tác dụng: Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin… được dùng làm giảm triệu chứng đau do viêm nha chu. Tuy nhiên, cần lưu ý liều lượng dùng cho phù hợp.

Tác dụng phụ: Việc dùng paracetamol quá liều có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm như gây tổn thương gan. Không dùng aspirin cho người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày.

6. Lưu ý khi điều trị viêm nha chu

Để điều trị viêm nha chu hiệu quả, nên thực hiện:

- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày mỗi lần 2 phút vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.

- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần.

- Nên sử dụng kem đánh răng có chứa flour.

- Thay bàn chải đánh răng 3 - 4 tháng/lần. Không nên dùng chung bàn chải đánh răng.

- Uống đủ nước (từ 2 - 2,5 lít nước/ngày).

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, đồng thời cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc.

- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Khi có bất thường trong thời gian điều trị viêm nha chu, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Đây là cách đánh răng đúng cách.

BS. Phan Nhi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-viem-nha-chu-169240413222747703.htm