Thuốc điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Có đến 80% bệnh nhân thoái hóa khớp bị hạn chế cử động và không thể thực hiện các hoạt động ngày. Vậy thoái hóa khớp có chữa được không và thuốc nào được sử dụng để điều trị?

1. Thoái hóa khớp có chữa được không?

Nội dung

1. Thoái hóa khớp có chữa được không?

2. Các thuốc điều trị thoái hóa khớp

2.1 Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID)

2.2 Thuốc giảm đau paracetamol

2.3 Liệu pháp bôi tại chỗ

2.4 Thuốc kháng viêm corticoid trị thoái hóa khớp

2.5 Các thuốc bổ sung điều trị thoái hóa khớp

2.6 Các thuốc khác chữa thoái hóa khớp

Có nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp nhưng thoái hóa khớp (hay còn gọi là viêm khớp thoái hóa) là bệnh phổ biến nhất.

Khớp là nơi hai hoặc nhiều xương gặp nhau. Các đầu xương tạo thành khớp được bao phủ bởi sụn. Sụn đóng vai trò như một tấm đệm và giúp các khớp cử động dễ dàng. Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bao quanh các đầu xương bị mòn đi, gây ra các triệu chứng đau, cứng và sưng.

Khi sụn bị tổn thương và hao mòn hầu như không thể đảo ngược được như ban đầu. Tuy nhiên, nếu tiếp cận đúng cách thì có thể hạn chế được sự tiến triển tình trạng thoái hóa khớp.

Ngoài ra, cơn đau và tình trạng khuyết tật chức năng có thể được kiểm soát thông qua nhiều biện pháp khác nhau bao gồm: Tập thể dục, vật lý trị liệu, điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác. Có thể nói đây là một căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được.

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bao quanh các đầu xương bị mòn đi, gây ra các triệu chứng đau, cứng và sưng.

Đặc biệt, thoái hóa khớp thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới vì tình trạng thay đổi nội tiết tố do mãn kinh. Nếu không được điều trị, thoái hóa khớp có thể gây ra các biến chứng dẫn đến khuyết tật. Vì vậy, nếu thấy bị đau dai dẳng hoặc hạn chế vận động… người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để có phương pháp điều trị phù hợp.

2. Các thuốc điều trị thoái hóa khớp

Thuốc điều trị thoái hóa khớp tập trung vào việc giúp kiểm soát cơn đau và cải thiện chức năng khớp, bao gồm:

2.1 Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID)

- Tác dụng: Các thuốc NSAID như diclofenac, ketoprofen… là lựa chọn đầu tay để kiểm soát đau trong thoái hóa khớp thông qua cơ chế ức chế enzyme cyclooxygenase COX, giảm tổng hợp các prostaglandin gây viêm và đau.

Nhìn chung thuốc giúp giảm đau và cải thiện chức năng ở bệnh nhân thoái hóa khớp cho dù đáp ứng với thuốc khác nhau ở từng người bệnh cụ thể. Tùy vào khớp bị ảnh hưởng, nguy cơ tác dụng phụ mà lựa chọn thuốc NSAID đường uống hoặc dùng ngoài phù hợp.

- Tác dụng phụ của thuốc: NSAID mang lại hiệu quả giảm đau nhưng có thể có tác dụng phụ, đặc biệt biệt với các thuốc uống, bao gồm loét dạ dày, tổn thương thận và ảnh hưởng đến tim và huyết áp.

- Chống chỉ định: Người có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thuốc; loét dạ dày tá tràng; suy gan mức độ vừa đến nặng; phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú…

2.2 Thuốc giảm đau paracetamol

- Tác dụng của thuốc: Paracetamol là thuốc giảm đau tác động lên trung ương, ức chế thành lập prostaglandin ở não và tủy sống. Dù tác dụng giảm đau không mạnh bằng NSAID, paracetamol có thể được chỉ định ở bệnh nhân có mức độ đau nhẹ và vừa hoặc không dung nạp với NSAID.

- Tác dụng phụ: Giống như bất kỳ loại thuốc nào, mặc dù hiếm gặp, nhưng paracetamol có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với biểu hiện phát ban trên da, nổi mề đay, ngứa, sưng mặt, mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, khó thở và khàn giọng. Nguy cơ tác dụng phụ tăng lên khi tăng liều (trên 4g/ngày). Liều cao paracetamol có thể gây tổn thương gan, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh gan do lạm dụng rượu.

- Chống chỉ định: Chống chỉ định dùng paracetamol đối với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc, người say rượu, mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, phổi, thận, gan.

2.3 Liệu pháp bôi tại chỗ

Là các thuốc dạng gel, kem hoặc miếng dán ngoài da có tác dụng tại chỗ, bao gồm:

NSAID dạng bôi

+ Tác dụng: Thuốc NSAID như diclofenac gel có tác dụng giảm đau tương đương dạng uống nhưng ít tác dụng phụ hơn. Vì vậy, NSAID dạng dùng ngoài là lựa chọn đầu tay ở bệnh nhân thoái hóa ở các khớp lộ diện như ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, ngón chân.

Đối với các khớp không lộ diện như khớp vai, khớp hông hay đốt sống hoặc dùng ngoài nhưng vẫn chưa đủ hiệu quả để giảm đau thì có thể cân nhắc dùng NSAID đường uống.

+ Tác dụng phụ:Sử dụng các thuốc NSAID dạng bôi ít có tác dụng phụ hơn dạng uống nhưng cũng cần giám sát chặt chẽ trong quá trình sử dụng thuốc.

Capsaicin

+ Tác dụng: Capsaicin là một alkaloid được chiết xuất từ quả ớt, có tác dụng giảm đau. Capsaicin chủ yếu sử dụng ở dạng bôi dùng ngoài và cần sử dụng liên tục mỗi ngày trong hai tuần để cho hiệu quả giảm đau. Vì vậy, capsacin có thể phù hợp cho những khớp lộ diện (như thoái hóa khớp gối).

+ Tác dụng phụ của thuốc:Thuốc có thể gây kích ứng mạnh trên niêm mạc (như mắt, miệng) nên bệnh nhân cần rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi bôi.

+ Chống chỉ định: Có tiền sử mẫn cảm với capsaicin hoặc ớt; trẻ em dưới 2 tuổi.

Có nhiều loại thuốc dùng để điều trị thoái hóa khớp, nhưng mỗi người bệnh sẽ phản ứng khác nhau với các loại thuốc nên cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc phù hợp.

2.4 Thuốc kháng viêm corticoid trị thoái hóa khớp

- Tác dụng: Là thuốc chống viêm mạnh có thể được kê đơn dưới dạng đường uống hoặc thuốc tiêm vào khớp. Tiêm corticoid nhìn chung là an toàn và hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng giảm đau trong một khoảng thời gian ngắn sau khi tiêm (khoảng 3 tuần – 3 tháng) và hiệu quả phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ chung cần cân nhắc khi áp dụng phương pháp điều trị này bao gồm: Đau, nhiễm trùng, tăng huyết áp… Ngoài ra, việc tiêm nhiều lần trong thời gian dài có thể làm tổn thương khớp nặng hơn.

- Chống chỉ định: Tiền sử dị ứng với thuốc, rối loạn đông máu, tổn thương nhiễm khuẩn tại hoặc gần vị trí tiêm.

2.5 Các thuốc bổ sung điều trị thoái hóa khớp

- Glucosamin và chondroitin sulfate

+ Tác dụng: Là những loại thuốc được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh và thường được phân loại là chất bổ sung vì được làm từ các thành phần tự nhiên. Các thuốc này được xem là có tác dụng chậm, hiệu quả thường thấy sau 3 tháng sử dụng.

+ Tác dụng phụ:Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng glucosamin và chondroitin sulfate như nhức đầu, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn và phản ứng da. Những chất bổ sung này có thể tương tác với các loại thuốc khác, vì vậy cần cung cấp thông tin về bất kỳ loại thuốc nào đang dùng cho bác sĩ biết khi được kê đơn.

+ Chống chỉ định: Bệnh nhân đang dùng các loại thuốc trợ tim, thuốc chống đông máu và thuốc trị đái tháo đường; phụ nữ mang thai hoặc cho con bú; trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không nên dùng glucosamin do chưa có đủ dữ liệu về an toàn và hiệu quả.

- Acid hyaluronic

+ Tác dụng:Là một chất lỏng hoạt dịch khớp, chất bôi trơn tự nhiên có thể được chỉ định để tiêm vào khớp để cải thiện chất lượng dịch khớp. Dù vậy, hiện vẫn còn tranh cãi về hiệu quả của phương pháp này trong điều trị thoái hóa khớp.

+ Chống chỉ định: Tiêm chất nhờn vào khớp gối chống chỉ định trong một số trường hợp: Cơ địa dễ dị ứng hoặc dị ứng với thành phần của thuốc. Phụ nữ mang thai, cho con bú chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc bổ sung khác

+ Ngoài ra còn có cao chiết xuất từ quả bơ và đậu nành (biệt dược là piascledine) cũng được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp. Loại thuốc này có thể cải thiện triệu chứng thoái hóa khớp sau 3 đến 6 tháng nhưng bằng chứng về hiệu quả chưa được xác lập rõ ràng.

+ Diacerein cũng là một thuốc có tác động chậm, có tác dụng trong điều trị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, thuốc này hiện chỉ được cấp phép trong điều trị thoái hóa khớp gối và hông cho bệnh nhân dưới 65 tuổi vì nguy cơ gây tiêu chảy và ảnh hưởng đến gan.

2.6 Các thuốc khác chữa thoái hóa khớp

- Thuốc giảm đau opioid

+ Tác dụng:Tramadol là thuốc giảm đau tổng hợp đường uống thuộc nhóm opioid. Thuốc có tác dụng giảm đau trong thoái hóa khớp và là lựa chọn phù hợp với bệnh nhân bị chống chỉ định với NSAID hoặc không đáp ứng với các thuốc điều trị giảm đau trước đó. Ngoài tramadol, các thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid khác trước đây cũng được dùng cho bệnh nhân đau nặng nhưng thuốc có nhiều phản ứng gây hại và tăng nguy cơ gây nghiện.

+ Tác dụng phụ: Tác dụng phụ của opioid bao gồm buồn ngủ, buồn nôn và táo bón…

+ Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc, đang dùng thuốc ức chế IMAO hoặc mới ngừng thuôc chưa đến 15 ngày, suy hô hấp, phụ nữ mang thai và cho con bú.

- Thuốc chống trầm cảm

+ Tác dụng: Duloxetine là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm SSRI. Thuốc được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng hoặc không thể dung nạp paracetamol hoặc NSAID.

+Tác dụng phụ: Quá trình sử dụng thuốc duloxetine có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm: Khó ngủ, thay đổi tâm trạng, kíc động, nôn mửa, khó tiểu, sưng mặt, lưỡi…

+ Chống chỉ định:Trong trường hợp quá mẫn với các thành phần của thuốc; mắc bệnh gan và có nguy cơ suy gan; suy thận nặng…

Người bệnh thoái hóa khớp không nên tự ý dùng thuốc.

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị thoái hóa khớp

Khi sử dụng thuốc người bệnh thoái hóa khớp cần lưu ý:

- Tuân thủ liều lượng và lịch trình uống thuốc: Uống thuốc đúng theo liều lượng và lịch trình mà bác sĩ đã chỉ định. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không thảo luận với bác sĩ.

-Thông báo về tình trạng sức khỏe khác: Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về mọi vấn đề sức khỏe khác đang gặp phải, bao gồm cả thuốc khác đang sử dụng, để đảm bảo không có tương tác thuốc gây hại.

- Theo dõi tác dụng phụ: Thông báo ngay lập tức cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xuất hiện. Các thuốc có thể gây ra các phản ứng không mong muốn, việc theo dõi và báo cáo các bất lợi này sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến gan hoặc thận, do đó cần theo dõi chức năng của các cơ quan này trong quá trình điều trị.

- Thăm khám định kỳ: Thực hiện thăm khám định kỳ với bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết.

Đối với các trường hợp như phụ nữ có thai (hoặc dự định có thai), cho con bú cần thảo luận với bác sĩ về an toàn của việc sử dụng thuốc trong tình trạng này.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị thoái hóa khớp. Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối có thể hỗ trợ giảm viêm, giảm đau, và duy trì sức khỏe:

- Uống đủ nước để: Duy trì sự đàn hồi của dịch khớp và hỗ trợ chức năng của khớp.

- Giảm cân nếu cần thiết: Nếu thừa cân, giảm cân có thể giảm áp lực lên khớp và giảm đau.

- Giảm tiêu thụ các chất kích thích: Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các chất kích thích như caffeine, rượu để giảm nguy cơ kích thích tình trạng viêm.

Có nhiều loại thuốc dùng để điều trị thoái hóa khớp, nhưng mỗi người bệnh sẽ phản ứng khác nhau với các loại thuốc nên cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc phù hợp.

Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, dùng lại đơn thuốc của người khác hay dùng thuốc theo những lời chỉ dẫn không đáng tin cậy khiến bệnh không những không chữa được bệnh mà còn nặng thêm.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Những dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp.

TS.DS. Nguyễn Quốc Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-thoai-hoa-khop-169240304205020844.htm