Thuốc chống lao - mua đâu cũng có!

Lao là bệnh đặc biệt, nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, phải điều trị đúng phác đồ. Do đó, thuốc chống lao được cấp miễn phí tại các cơ sở y tế. Thế nhưng, người bệnh vẫn mua thuốc trên thị trường một cách dễ dàng. Đây chính là nguy cơ khiến tỷ lệ kháng thuốc chống lao cho cộng đồng có chiều hướng gia tăng.

Mua thuốc không cần toa Trên đường Ngô Quyền (P.12, Q.10, TP.HCM), chỉ một đoạn rất ngắn đối diện BV Phạm Ngọc Thạch, đã có hai nhà thuốc có bán thuốc trị bệnh lao. Khi chúng tôi hỏi mua một số loại thuốc chống lao cho người nhà, không có toa thuốc, nhân viên quầy thuốc T.T. cho biết, muốn mua loại nào cũng có, trừ Rimifon đã hết hàng. Tôi yêu cầu bán 10 viên Rifampicin (biệt dược Rifadin) loại 400mg, nhân viên này gằn giọng “chỉ có loại 150mg và 300mg”. Sau khi đưa cho khách hàng ba loại thuốc gồm: Rifampicin, Ethambutol, PZA với giá 26 ngàn đồng; cô nhân viên này chỉ chúng tôi sang quầy bên cạnh cách đó vài chục mét để mua thuốc Rimifon. Cũng như tiệm thuốc lúc nãy, không cần hỏi toa thuốc, trẻ con hay người lớn mắc bệnh, bệnh đang ở giai đoạn nào… nhân viên quầy thuốc Q.T. liền nhanh nhẩu trút 20 viên Rimifon vào bịch rồi tính tiền, thậm chí chẳng thèm hỏi khách muốn mua hàm lượng bao nhiêu. Thấy chúng tôi ngạc nhiên hỏi, nhân viên tiệm thuốc này hồn nhiên nói: vì chỉ còn thuốc hàm lượng 150mg. Việc bán thuốc điều trị lao một cách dễ dãi vì người bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mỗi viên thuốc bán ra chốt lời gần 100% giá mua. Cụ thể, theo đơn giá của chương trình mục tiêu quốc gia cung ứng thuốc Rifampicin (biệt dược Rifadin) 300mg chỉ 595đ/viên nhưng các cơ sở này bán ra 1.000đ/viên hay Rimifon 300mg chỉ 260đ/viên bán ra 500đ/viên... Y tế thả nổi? Đây là thực trạng đáng lo tại TP.HCM, vì một số tỉnh đã cấm bán thuốc chống lao tự do ở các tiệm thuốc tây cho người bệnh. ThS.BS. Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM bức xúc: theo nguyên tắc phòng chống lao quốc gia, BV phải biết cặn kẽ lý lịch người bệnh để phòng bệnh lây lan cho người nhà và cộng đồng. Thế nhưng, bệnh nhân lại mặc cảm, sợ người khác biết mình mắc bệnh nên không đến BV điều trị mà tự ý mua thuốc. Hoặc những bệnh nhân nhập cư lo mưu sinh, sợ mất thời gian đến BV, nên mua thuốc ở các tiệm thuốc tây. Cũng có những bệnh nhân đến phòng khám tư nhân, vì các cơ sở này không “xin” lý lịch của người bệnh. Đổi lại, tất cả các chi phí khám tại phòng mạch tư, tiền khám, xét nghiệm, nước cất, găng tay, ống chích đến thuốc men đều phải trả cho bác sĩ. Một số cơ sở y tế tư nhân còn đáp ứng yêu cầu của người bệnh, chỉ cho thuốc uống không gây đau. Thay vì theo phác đồ điều trị phải chích thuốc Streptomycin rất đau nhưng diệt được vi khuẩn nhanh hơn dạng thuốc uống. Một số cơ sở còn “dụ” người bệnh khi rêu rao “thuốc miễn phí không tốt bằng thuốc phải trả tiền”. Thực tế, thuốc lao được phát miễn phí cho người bệnh nên không xảy ra chuyện chung chi hoa hồng để nâng giá thuốc; chất lượng thuốc phải thông qua đấu thầu mới được vào BV. Theo một nghiên cứu mới đây của BV Phạm Ngọc Thạch, 40% bệnh nhân lao điều trị ở các phòng khám tư bỏ trị khi vừa thấy bệnh thuyên giảm. Mặt khác, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã không tuân thủ tiêu chuẩn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân lao theo đúng chương trình chống lao quốc gia. Trên 85% cơ sở cho phác đồ điều trị lao dưới sáu tháng và có đến 23% cơ sở chỉ cho người bệnh uống phối hợp hai loại thuốc thay vì phải ba-bốn loại theo khuyến cáo của WHO để diệt vi trùng tốt hơn. Đây chính là nguy cơ khiến vi trùng lao kháng thuốc. Khi người mới mắc lao hoặc người bệnh lao “dính” phải loại vi trùng kháng thuốc, khả năng hồi phục bệnh sẽ khó và tỷ lệ tử vong cao hơn. Nỗi đau tử vong BS. Trần Ngọc Đường, Trưởng khoa Nhi, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết, có nhiều trường hợp trẻ sống đời thực vật, tử vong vì tự ý điều trị, bỏ điều trị ở BV. Cụ thể, bé gái T.L. bốn tuổi, bị lao phổi nhẹ, sau khi điều trị được hai tuần, hết sốt, không còn khó thở và xuất viện. Một tháng sau, thấy bệnh nhi không tái khám, BV đã gửi giấy mời nhiều lần nhưng người nhà vẫn không đưa bệnh nhi đến BV nhận thuốc mà tự ý mua thuốc lung tung. Sau đó ba tháng, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê vì đã mắc thêm chứng lao màng não. Nguyên nhân là do không điều trị dứt bệnh lao phổi nhẹ. Cuối cùng, bé L. phải sống đời thực vật suốt đời. Cách đây vài tháng, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cũng tiếp nhận một bé trai 10 tháng tuổi bị lao kê, lao phổi nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Trước đó, bệnh nhi chỉ bị lao phổi nhẹ nhưng người nhà đã bỏ điều trị hai tháng. Theo BS. Ngọc Bửu, mỗi năm, cả nước phát hiện đến 154.000 bệnh nhân mắc lao các thể và khoảng 20.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân mới bị kháng thuốc chiếm 2,7%, bệnh nhân cũ bị kháng thuốc đến 20%. Do đó, người bệnh phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị để tránh gia tăng tỷ lệ kháng thuốc và tử vong. Với trường hợp bị đa kháng thuốc, mỗi năm phải tốn khoảng 38 triệu đồng chữa trị nhưng chưa chắc cứu được tính mạng. Việc tìm ra một loại thuốc mới chống bệnh lao mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, kể từ năm 1970 đến nay, chưa có một loại thuốc nào thay thế được thuốc Rifadin vừa hiệu quả và rẻ. Đó là lý do tại sao, Việt Nam phải tốn kém rất nhiều cho việc điều trị căn bệnh này. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam phải bỏ ra 27 triệu USD để phòng chống bệnh lao, tăng 10 triệu USD so với năm 2007. Theo Phụ nữ TPHCM

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/445822/index.html