Thung lũng Chết sắp đạt đến nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử: Chuyên gia ra cảnh báo trên toàn cầu

Các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu vẫn có thể trở nên nóng hơn nữa. Nguyên nhân là gì?

Những đợt nắng nóng dữ dội, dai dẳng đã trở thành hiện tượng bình thường mới, thúc đẩy biến đổi khí hậu và làm trầm trọng thêm hạn hán, cháy rừng hoành hành trên khắp hành tinh.

Tháng 6/2023 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận, nhưng tháng 7/2023 thậm chí còn tồi tệ hơn. Những ngày đầu tháng 7 là tuần nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất, theo dữ liệu ban đầu từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại vào ngày 3/7/2023 và sau đó phá vỡ kỷ lục đó trong hai ngày liên tiếp, theo Associated Press.

Sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm thời tiết mùa hè, bầu không khí ấm hơn và các kiểu thời tiết theo mùa như El Nino đã đưa chúng ta đến thời điểm này. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu vẫn có thể trở nên nóng hơn.

Myles Allen, Giáo sư khoa học hệ thống địa chất tại Đại học Oxford, nói với The Washington Post rằng ngày nóng nhất "sẽ xảy ra khi sự nóng lên toàn cầu, El Nino và chu kỳ hàng năm kết hợp với nhau. Thời điểm đó không còn xa".

Cảnh báo nhiệt quá cao và tư vấn về nhiệt hiện áp dụng cho hơn 100 triệu người ở Mỹ, theo cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS).

Khí hậu ở phương Tây đặc biệt khắc nghiệt. Thung lũng Chết của bang California, Mỹ có thể vượt qua mức nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử vào cuối tuần này trong bối cảnh mà Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ gọi là "cái nóng ngột ngạt và nguy hiểm".

Những ngọn núi xung quanh giam giữ không khí nóng trong lưu vực dài và hẹp của Thung lũng Chết. Ảnh: John Locher/AP

NWS kêu gọi người dân "thực hành các biện pháp chống nhiệt một cách an toàn", chẳng hạn như giữ đủ nước và tránh các hoạt động ngoài trời không cần thiết.

Cũng theo cơ quan này, nhiệt độ tại Thung lũng Chết nổi tiếng khô hạn thường xuyên lên tới 49 độ C. Sức nóng có thể vượt qua 54,4 độ C vào cuối tuần này - Đây là kỷ lục về nhiệt độ nóng nhất từng được đo một cách đáng tin cậy trên Trái Đất, theoScience American.

Người dân ở Phoenix, bang Arizona, cũng đã được điều trị bỏng cấp độ 2, theotờ Independent. Nhiệt độ ở thành phố này đã tăng vọt trên 43,3 độ C trong hai tuần.

Nắng nóng bao trùm thành phố Phoenix, Mỹ. Ảnh: Kruck20/Getty Images

Nắng nóng thiêu đốt khắp nơi

Hiện nay trên thế giới, nhiều đợt nắng nóng xuất hiện trên các khu vực khác nhau của hành tinh cùng một lúc đã trở nên phổ biến, gây ra hạn hán và cháy rừng trên toàn cầu.

Những đợt nắng nóng thảm khốc đã tấn công hầu hết mọi nơi trên thế giới hết lần này đến lần khác vào năm 2022, do khủng hoảng khí hậu. Biến đổi khí hậu nhân tạo đang khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên.

Nắng nóng ở Mỹ không phải là một sự bất thường. Các đợt nắng nóng đang thiêu đốt châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc đã buộc các cơ quan thời tiết của các nước này đưa ra cảnh báo về tình trạng nắng nóng cực độ cho người dân của họ.

Một người đàn ông làm mát mình bằng nước bên ngoài 'caseta' (lều nơi phục vụ đồ ăn và thức uống) trong Hội chợ tháng Tư truyền thống hàng năm ở Seville, Tây Ban Nha, ngày 27 tháng 4 năm 2023. Ảnh: Santi Donaire/AP

Các nhà khoa học môi trường nhận định, con người đã thải ra quá nhiều Carbon dioxide (CO2) và Metan (CH4) đến nỗi nó đã làm thay đổi khí hậu Trái Đất, góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong vài thập niên trở lại đây.

Những năm hạn hán liên tiếp và nhiệt độ trên mức trung bình đã khiến hồ chứa nước ngọt duy nhất của Uruguay gần như cạn kiệt. Theo Guardian, hơn một nửa dân số của đất nước vùng Nam Mỹ không được sử dụng nước máy an toàn.

Căng thẳng khí hậu cũng đang tấn công miền bắc Argentina. Tương tự, ở Iraq, tình trạng thiếu nước đang có tác động dây chuyền đến sản xuất nông nghiệp và lương thực nước này.

"Thời tiết cực đoan - hiện tượng ngày càng thường xuyên xảy ra trong điều kiện khí hậu nóng lên của chúng ta - đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước.

Điều này nhấn mạnh tính cấp thiết ngày càng tăng của việc cắt giảm khí thải nhà kính một cách nhanh chóng và sâu sắc" - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas khẳng định.

Nguồn: Nguồn: Business Insider

Trang Ly

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thung-lung-chet-sap-dat-den-nhiet-do-nong-nhat-trong-lich-su-chuyen-gia-ra-canh-bao-tren-toan-cau-20230716082923371.htm