Thung lũng Bắc Sơn - miền sơn cước bình yên

Có một vùng đất nằm ngang trên tuyến đường 279 huyết mạch nối liền 6 tỉnh biên giới phía Bắc từng là căn cứ địa cách mạng thời kỳ chống Pháp - Nhật và ghi danh với khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940. Trong khi các khu vực cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, thì thung lũng Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) lại bị chìm khuất đi sau những dãy núi đá vôi trùng điệp, cho đến khi trào lưu du lịch khám phá tìm ra vùng đất nhiều vẻ đẹp tàng ẩn này.

Bình yên thung lũng Bắc Sơn. Ảnh: TTH

Không có được tuyến đường giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú phong phú hay là địa danh du lịch nổi tiếng, Bắc Sơn nằm giữa một thung lũng dãy núi đá vôi bủa vây, các lối ra ngoài đều phải đi qua đèo cao, quanh co. Vùng quê nghèo chầm chậm kết nối với sự phát triển ở bên ngoài, nhưng lại bảo tồn rất tốt căn cốt văn hóa gốc.

Đây vốn là vùng đất định cư lâu đời của người Tày, Nùng, còn nguyên các nếp nhà sàn cũ nhiều đời. Các làng nhà sàn cổ đều quay về hướng Nam, làm theo kiểu dáng cũ là nhà 3 gian, 2 chái có sàn cao và lợp ngói âm dương. Ở Bắc Sơn còn tồn tại một làng nghề truyền thống là nơi sản xuất ngói âm dương lợp nhà ở xã Quỳnh Sơn của huyện Bắc Sơn.

Ngày nay, tưởng như không ai còn dùng ngói âm dương để lợp nhà, nhưng làng nghề Quỳnh Sơn lại có vẻ như được hồi sinh trở lại. Ở vùng Quỳnh Sơn, Long Đống có một mỏ đất sét có thể chế tác thành vật liệu xây dựng, vì vậy, làng mới có nghề làm ngói và nghề truyền thống hóa ra không dễ mai một, mà nó tồn tại mãi ở đó đầy tự hào, khi nào có điều kiện hồi sinh thì làng nghề lại nhộn nhịp làm nghề.

Ngói âm dương Quỳnh Sơn bây giờ không còn đơn giản là vật liệu xây dựng mà dùng cho các công trình nghệ thuật, tái thiết các di tích, hoặc phục vụ cho các gia chủ hoài cổ, quý trọng văn hóa dân tộc mua về xây dựng nhà ở, công trình. Nhu cầu ngày càng tăng thì lò nung càng nhanh nổi lửa. Trong làng, vài gia đình đốt lò chung một mẻ ngói, không khí nhộn nhịp hẳn khi có hoạt động du lịch. Khi Quỳnh Sơn trở thành làng du lịch văn hóa cộng đồng thì càng nhiều ngôi nhà ở của người dân quay trở lại làm ngói cũ, làm nhà kiểu truyền thống. Vì vậy, ngôi làng càng có vẻ xưa cũ, như một bức tranh thủy mặc ở giữa miền sơn cước hoang dã.

Ông Dương Văn Vấn, ở Quỳnh Sơn chia sẻ về ý định biến ngôi nhà ở của mình thành nơi lưu trú cho khách du lịch: “Khách du lịch chỉ thích những gì càng thấm đẫm văn hóa dân tộc bản địa thì càng tốt, nên đánh mất văn hóa dân tộc rồi thì chẳng biết lấy gì mà làm du lịch”. Cộng đồng người Tày ở Bắc Sơn vốn có nếp ăn ở sinh hoạt rất sạch sẽ, khoa học. Họ nấu ăn ngon, nhiều mẹo chế biến thực phẩm rất thú vị và duy trì nhiều phong tục tập quán riêng có. Những món ăn của người Tày ở đây đều khiến du khách nhớ mãi như món bánh giầy ngải cứu, bánh chưng gio, bánh cẩm, lạp xưởng gác bếp, thịt quay lá móc mật...

Bữa cơm ở homestay luôn khiến du khách nhớ mãi vì mùi vị của rượu hương rừng, cất bằng nước suối tinh khiết, đọng cả sương buổi sớm và khí núi trong lành. Món ăn của người Tày chế biến cầu kỳ, dậy mùi thơm và nguyên liệu tươi ngon. Tất cả đều là yếu tố đặc sắc làm nên một làng văn hóa du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Thung lũng Bắc Sơn hình lòng chảo và muốn phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh non thanh, thủy tú thì không gì tốt hơn là leo hơn một ngàn bậc đá lên đỉnh núi Nà Lay. Rất nhiều bức ảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp được các nhiếp ảnh gia chụp từ đỉnh núi này. Các dãy núi xếp xen kẽ, chồng lớp bên nhau và ở giữa là một cánh đồng canh tác lúa nước chia ô như một tấm thảm lụa. Những dòng suối men theo khe đá và các dãy núi đều ẩn chứa những hang động kỳ bí mà ngay cả người dân bản địa cũng chưa hề đặt chân tới, chưa khám phá ra. Chính vì địa hình hiểm trở, núi đá xếp thành lũy như thế mà con đèo Tam Canh đã đi vào lịch sử, nơi có trận đánh vũ trang đầu tiên của du kích Bắc Sơn do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo diễn ra làm quân thù khiếp sợ.

Nơi ghi danh Di tích lịch sử Bắc Sơn tại đèo Tam Canh, Bắc Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: TTH

Hiện nay, đỉnh đèo Tam Canh có bia ghi danh di tích lịch sử Bắc Sơn, nơi du khách có thể nghỉ chân, tham quan và tìm hiểu về sự kiện lịch sử này. Vượt qua đèo Tam Canh, men theo dãy núi Bắc Sơn còn có hệ thống các hang động lớn, diện tích rộng mà trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân ta đã sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí, khí tài, xây dựng doanh trại quân đội và cơ sở y tế, chữa bệnh.

Chính vì Bắc Sơn nằm bên cạnh tuyến đường 279 nên nhiều di tích kháng chiến vẫn còn dấu tích đến ngày nay, được đồng bào địa phương gìn giữ, bảo vệ, không có dấu hiệu xâm phạm. Đặc biệt là Bảo tàng lịch sử Bắc Sơn, nơi lưu giữ những kỷ vật quý giá của cuộc khởi nghĩa đầy tự hào của dân tộc. Ngay cả dân du lịch khám phá đến những nơi này cũng có ý thức không quay phim, chụp ảnh những địa điểm đã từng là căn cứ quân sự. Dường như Bắc Sơn luôn hoang dã, bí hiểm và luôn là căn cứ kháng chiến trong trái tim những người dân ở đây.

Và cũng chỉ đến tận bây giờ, khi trào lưu du lịch cộng đồng, tìm về những tuyệt cảnh tự nhiên của Việt Nam, giới trẻ mới biết đến Bắc Sơn và để ý đến cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng dưới chân đèo Tam Canh. Một vài người dân bắt đầu xây dựng các cơ sở lưu trú mới, tu bổ, cải tạo vườn tược, nhà ở để làm làng văn hóa du lịch cộng đồng. Một vài người dùng đất nông nghiệp để trồng hoa, hình thành các vườn hoa để khách du lịch đến chơi, chụp ảnh...

Còn lại, Bắc Sơn vẫn dựa vào những cảnh đẹp có sẵn, núi đá hang động và thác nước - cảnh vật đặc trưng của miền sơn cước, ngoài ra, có các làng nghề cổ, các bản làng người Tày với đặc trưng canh tác lúa nước và ở nhà sàn. Bắc Sơn nhỏ bé, dung dị và hoang dã lắm, nhưng lại có sức hút và tiềm năng du lịch không nhỏ.

Hải Ninh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thung-lung-bac-son-mien-son-cuoc-binh-yen-post448920.html