Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá đang quá thấp

Theo các chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở nước ta hiện quá thấp, chỉ khoảng hơn 30% giá bán lẻ, trong khi mức trung bình của thế giới là 61% và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 75%. Vì vậy, cần thiết phải xem xét điều chỉnh mức thuế này.

Hệ lụy khi thuế suất thấp

Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, với 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2016 và 2022, đã định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe, xã hội và môi trường; góp phần thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Dù vậy, triển khai Luật đã bộc lộ một số bất cập, theo đó, mức thuế đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe còn quá thấp. Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện bằng 75% giá xuất xưởng, tương đương trên 30% giá bán lẻ. Trong khi đó, ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO cho biết, mức thuế suất đối với thuốc lá được cơ quan này khuyến cáo nên chiếm 75% giá bán lẻ; hiện mức trung bình của thế giới là trên 61%. Tại khu vực ASEAN, mức thuế suất với thuốc lá của Việt Nam thấp thứ 3, chỉ cao hơn Campuchia (25 - 31,1%) và Lào (18,8%). Các nước như Thái Lan có mức thuế thuốc lá là 78,6% giá bán lẻ, Philippines là 71,3%, Malaysia là 58,6%...

Cũng theo chuyên gia của WHO, thuế suất thấp khiến giá bán thuốc lá thấp, và người tiêu dùng, nhất là người nghèo, dễ dàng tiếp cận sản phẩm này; ông Lâm lấy dẫn chứng, giá của nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất trong năm 2020 (theo sức mua ngang giá - PPP) chỉ là 2,82 USD, trong khi Singapore hơn 16 USD, Philippines hơn 4 USD… Mức giá thuốc lá tăng chậm hơn nhiều so với mức thu nhập của người dân. Theo đó, nếu như năm 2010, thu nhập bình quân là 31,5 triệu đồng/người thì đến 2022 tăng lên 95,6 triệu đồng, tức tăng hơn 3 lần, song giá thuốc lá chỉ tăng từ 14.000 đồng/bao lên 22.000 đồng/bao, tương ứng khoảng 60%. Bởi lẽ đó, tác động của các lần tăng thu thuế thuốc lá là không nhiều và không duy trì được tác động.

Mặc dù thừa nhận tăng thuế chỉ là một trong những giải pháp để hạn chế sử dụng thuốc lá, song chuyên gia của WHO nhấn mạnh, Việt Nam vẫn cần xem xét tăng thuế này theo lộ trình để tiệm cận với khuyến cáo của WHO cũng như thông lệ quốc tế và cần phải coi đây là biện pháp hiệu quả nhất.

Kinh nghiệm thế giới và bài học cho Việt Nam

Dẫn kinh nghiệm thế giới, bà Lê Mai Anh, nghiên cứu viên, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, Hàn Quốc từng là quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất (44% nam giới và 27,7% người trưởng thành hút thuốc năm 2012) song thuế thuốc lá lại thấp nhất trong khối OECD. Sau đó, nước này đã xây dựng hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc dựa vào đơn vị tiêu thụ; xây dựng thuế tự động điều chỉnh theo lạm phát; dự đoán tốt hơn doanh thu từ thuế và thiết lập mức thuế hiệu quả. Năm 2015, nước này tăng giá bán từ 2.500 won lên 4.500 won; tăng thuế thuốc lá với các mặt hàng thuốc lá điện tử, các cảnh bảo sức khỏe bằng hình ảnh. Nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc lá giảm mạnh, đặc biệt ở nhóm người trẻ (từ 9,2% năm 2014 xuống 6,3% năm 2016); nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá cũng tăng 23,8% (1,3 tỷ won) trong năm 2016.

Tại Thái Lan, thuế thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán buôn. Giai đoạn 1993- 2015, nước này có 10 lần tăng thuế, từ 55 - 87%/giá bán buôn, tương đương 120 - 670% giá xuất xưởng. Kết quả là, giá thuốc lá tăng từ 0,5 USD (1993) lên 2,2 USD (2015); tỷ lệ hút thuốc giảm từ 32% xuống 19,9%; thu ngân sách tăng từ 500 triệu USD lên 2,1 tỷ USD; chính sách tăng thuế cũng không làm gia tăng buôn lậu. Như vậy, tăng thuế có lộ trình sẽ hạn chế tác động tiêu cực mà vẫn đạt được hiệu quả chính sách.

Còn tại Philippines, giai đoạn 1997 - 2012, áp dụng thuế tuyệt đối 4 bậc và không thực hiện điều chỉnh thuế hàng năm. Giai đoạn 2013 - 2016, áp dụng thuế tuyệt đối 2 bậc. Từ 2017 đến nay áp thuế tuyệt đối 01 bậc thống nhất (bắt đầu từ 30 peso (2017) tăng dần lên 60 peso (2023) cho mỗi bao 12 điếu; thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm (tăng 4% từ 2018 và 5% từ năm 2024). Việc tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2012 - 2015 đã giúp nước này giảm doanh số bán thuốc lá 28% và giảm 3 triệu người hút; đối tượng thu nhập thấp giảm hút thuốc nhiều nhất là minh chứng cho thấy thuế thuốc lá không phải là thuế lũy thoái.

Đáng chú ý, 50% số thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ thuốc lá và đồ uống có đường, cũng như 80% thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu và vaping được sử dụng để tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 5% doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ thuốc lá dùng cho hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó, Philippines trở thành điểm sáng ở châu Á trong việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mục tiêu phát triển bền vững…

Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia của CIEM đề xuất, Việt Nam cần áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá; tăng thuế đối với thuốc lá truyền thống và các mặt hàng thay thế; đánh thuế trên giá bán thay vì giá xuất xưởng. Việc tăng thuế cũng cần có lộ trình phù hợp.

ThS. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm bổ sung, đa số quốc gia đã chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tuyệt đối, theo đó, số nước áp dụng thuế tuyệt đối tăng từ 56 lên 70 quốc gia; thuế hỗn hợp tăng từ 48 lên 64 quốc gia, còn thuế theo tỷ lệ (tương đối) giảm từ 54 xuống hiện còn hơn 30 quốc gia. “Áp thuế hỗn hợp là phù hợp nhất với Việt Nam”, ông Lâm đề xuất.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-dang-qua-thap-i360658/