Thực tế khắc nghiệt đang chờ ông Trump ở Nhà Trắng

Ông Trump “không thể ngay lập tức thay đổi chiến lược đối ngoại Mỹ” và sẽ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt trong quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Đó là nhận định của nhà phân tích chính trị Thomas Gomart, giám đốc IFRI trực thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp trong bài viết “Chính sách quốc tế: Gương mặt mới của Tổng thống Trump” đăng trong mục Thảo luận của báo Le Figaro.

Thực tế khắc nghiệt đang chờ ông Trump ở Nhà Trắng. Ảnh Time.com

Bài viết mở đầu với nhận định: “Có một sự tương phản kỳ lạ giữa những phát biểu bốc trời của ứng cử viên Trump và phát biểu đầu tiên của người vừa đắc cử tổng thống. Ông Trump đã tỏ ra thận trọng đến ngạc nhiên, khi ăn mừng chiến thắng, cứ như thể đã bắt đầu gánh vác những trách nhiệm nặng nề trong tương lai. Phải chăng chúng ta đang chứng kiến việc nhân vật theo chủ trương nước Mỹ biệt lập ngay lập tức biến mình thành một người thực dụng trong hành động ?”

Câu trả lời của nhà nghiên cứu Pháp Thomas Gomart là: “Chưa chắc”, vì chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Donald Trump sẽ phụ thuộc nhiều vào “thành phần của ê kíp lãnh đạo mới cũng như phản ứng quốc tế sau các quyết định đầu tiên của ông”.

Ông Gomart cảnh báo “các cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên” của ông Trump với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga “sẽ mang tính chất quyết định”, mọi sai lầm “sẽ phải trả giá”. Ông Trump sẽ phải đối mặt với hai nhà lãnh đạo “rất tự tin và có nhiều kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế”.

Trong quá trình tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump chủ trương “một cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc và hòa giải với Nga. Theo nhà phân tích Thomas Gomart, nếu hai hứa hẹn này được thực hiện, thì điều này sẽ làm “đảo lộn thế cân bằng chiến lược và thậm chí cấu trúc của hệ thống chính trị thế giới hiện nay”.

Về chính sách với Trung Quốc, nếu quá cứng rắn về kinh tế với Bắc Kinh, chính quyền Trump ngay lập tức sẽ bị trả đũa và tăng trưởng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chủ trương biệt lập của ông Trump sẽ để cho Trung Quốc rảnh tay gia tăng ảnh hưởng tại Châu Á, mà đây lại không phải là quan điểm của các thế lực công nghiệp quân sự Mỹ. Trong quá trình tranh cử, bản thân ông Trump cũng nhấn mạnh sẽ gia tăng chi phí quân sự để duy trì ưu thế với Trung Quốc.

Tóm lại, chiến lược của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị ràng buộc bởi “mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung và mức độ bành trướng quân sự của Trung Quốc”.

Về quan hệ với Nga, ông Trump được coi là có “nhiều không gian hành động”. Cho đến nay, để tỏ ra hoàn toàn khác biệt với đối thủ Hillary Clinton - người được coi là có quan điểm hết cứng rắn với Nga, ông Trump nhấn mạnh đến chủ trương hòa giải.

Tuy nhiên, theo giám đốc IFRI, sau những tiếp xúc ngoại giao ban đầu, tân tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ nhận ra là nền tảng của chế độ chính trị hiện hành của nước Nga là “quan điểm chống Mỹ sâu sắc”. Nước Nga “đang trong chu kỳ mở rộng can thiệp ra bên ngoài, đúng vào thời điểm phương Tây - mà đứng đầu là Mỹ - đang trong giai đoạn tự kiềm chế”.

Nhà phân tích chính trị Thomas Gomart kết luận: “Quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể cải thiện, nhưng cũng hoàn toàn có thể xấu đi một cách nhanh chóng”.

Theo Le Figaro, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ phải tìm cách “thu hút các nhân vật tài năng trong đảng Cộng hòa để có thể lãnh đạo đất nước”. Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich - người được hứa hẹn sẽ có một chức vụ quan trọng trong chính phủ mới - bày tỏ hy vọng ông Trump “cần hiểu rằng ông đang gánh vác trên vai vận mạng của nước Mỹ và, ở một mức độ nhất định, của toàn thế giới”.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/thuc-te-khac-nghiet-dang-cho-ong-trump-o-nha-trang-782541.html