Thực tập 'ra' tiền

(Toquoc) – Được làm việc thực sự, có tiền hỗ trợ và hơn cả, sinh viên đã học được rất nhiều điều. Cách đưa sinh viên đi thực tập ĐH FPT đáng để các trường ĐH, CĐ phải chú ý.

Thi để được thực tập

Tháng 1/2009, ĐH FPT bắt đầu đưa sinh viên khóa I của trường đi thực tập tại Công ty phần mềm FPT (Fsoft) với tên gọi của khóa là On the job training – một mô hình thực tập công nghiệp, đào tạo ngay tại nơi làm việc.

Sinh viên Đại học FPT đang thực tập tại Fsoft (Ảnh: G.Bảo)

Khác với cách truyền thống, sinh viên năm thứ ba, thứ 4 sẽ tự tìm hoặc nhà trường tìm một đơn vị để đưa sinh viên đến; sau đó là chuỗi thời gian “pha trà, rót nước”, sinh viên gần như không làm gì, viết báo cáo và nộp về cho giảng viên đồng thời kết thúc một kỳ thực tập.

Nhưng cách để sinh viên ở ĐH FPT thực tập đã khác ngay từ khâu đầu tiên. Để có một chỗ học việc tại chương trình On the job training, sinh viên sẽ phải trải qua các kỳ thi tiếng Anh, Nhật, thi chuyên môn, đồng thời các cán bộ của Fsoft phỏng vấn đề phân công cụ thể công việc tại các trung tâm sản xuất phần mềm.

Tại đó, các sinh viên cũng sẽ được tham gia các dự án thực, tìm hiểu quy trình làm việc cũng như rèn luyện các kỹ năng trong công việc. Đây cũng là thời gian để sinh viên có thể lựa chọn công việc tương lai cho bản thân, từ đó có những đầu tư thích hợp trong năm cuối với các môn chuyên ngành sâu tự chọn.

Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, các sinh viên thực tập tại Fsoft đều được đánh giá và cho điểm theo năm tiêu chí: khả năng kỹ thuật, kỹ năng làm việc, khả năng chịu áp lực trong công việc, thái độ và tinh thần làm việc.

Dựa trên các đánh giá này, sinh viên sẽ được trả lương đúng với những đóng góp và cống hiến cho công ty. Ông Nguyễn Ích Cường, đại diện Fsoft cho hay, 121 sinh viên ĐH FPT thực tập tại công ty có mức trợ cấp học việc trung bình 1,4 triệu đồng/tháng/em. Một số sinh viên làm tốt sẽ được ký hợp đồng thử việc tới 4,5 triệu đồng/tháng/em. “Tất nhiên mức trợ cấp học việc kia chưa cao nhưng mục tiêu là đào tạo các sinh viên trong công việc là chính” – ông Cường nói.

“Các sinh viên này cũng thể hiện được tính kỷ luật, tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và cực giỏi ngoại ngữ” – đại diện Fsoft đánh giá.

Rút ngắn khoảng cách đào tạo – thực tế

“On the job training đã đẩy mình vào thực tế để nghiệm ra rằng, từ tòa nhà nơi học tới tòa nhà nơi làm việc tuy không xa nhưng từ trường học tới công việc là cả một chặng đường dài. Có những đêm thức trắng để bàn bạc với khách hàng do lệch múi giờ. Thực tập cũng là đi học, chỉ khác phương pháp và giảng viên, tất nhiên đi học luôn có ích” – Lê Công Long, sinh viên ĐH FPT thực tập tại G7 – Fsoft, đứng đầu trong Top sinh viên đạt điểm cao nhất sau bốn tháng thực tập cho hay.

Sinh viên Ngô Ngọc Tuấn, thực tập tại G10 – Fsoft, cũng nằm trong Top sinh viên đạt điểm cao nhất đã giành được cơ hội tham gia làm dự án tại Mỹ trong hơn hai tháng. Một số sinh viên khác cũng đang được lựa chọn, đào tạo, để cử đi làm việc tại Nhật Bản , Singapore .

Tuấn cho hay, quá trình thực tập đã cho cậu nhiều bài học, dù học ở trường cũng có các bài tập nhưng khi làm việc thực sự với khách hàng, làm các dự án thật mới được dạy nhiều điều.

“Mình còn nghĩ Việt Nam là một đất nước có nền công nghệ thông tin rất mạnh, nhưng sang Mỹ mới nhận ra, những gì chúng ta đang làm đều rất nhỏ bé và lợi nhuận thấp. Mình nghĩ, đây là trách nhiệm của những người trẻ” – Tuấn chia sẻ.

Đánh giá về mô hình, ông Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc công ty Vietsoftware cho rằng, “rất nhiều sinh viên khóa cử nhân tài năng của các ĐH lớn Hà Nội dù rất giỏi kiến thức nhưng các kỹ năng mềm khác lại không có, trong khi một số trung tâm đào tạo lập trình viên lại chỉ thiên về dạy cho họ biết cách làm việc ngay mà khó có thể phát triển lên cao được. Còn ĐH FPT biết kết hợp hai điều đó” – ông Sơn nhận xét và cho biết sẵn sàng nhận sinh viên về đây thực tập.

Tất nhiên để làm được như mô hình của ĐH FPT theo ông Nguyễn Văn Học, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT, các trường sẽ phải đổi mặt với cơ chế quản lý tài chính, mối quan hệ nhà trường – doanh nghiệp, hàng rào chính sách, đội ngũ giảng viên… Ông Học cho hay, sẽ nghiên cứu mô hình này, báo cáo Bộ và có thể nhân rộng.

Đây là mô hình nhà trường – doanh nghiệp, với quy mô tài chính mạnh, mối quan hệ với các doanh nghiệp sẵn có, nhưng quan trọng nhất, ĐH này đã thực sự dám làm, góp phần cho “ra lò” những cử nhân có thể làm việc được ngay tại môi trường doanh nghiệp, tránh lãng phí chi phí đào tạo lại.

Chương trình đào tạo của ĐH FPT chia thành bốn giai đoạn cơ bản:

- Giai đoạn chuẩn bị: kéo dài trong khoảng một năm, sinh viên sẽ học tiếng Anh tập trung, tham gia chương trình định hướng học tập va giáo dục quốc phòng

- Giai đoạn hai, kéo dài trong bốn học kỳ: sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên ngành cơ bản

- Giai đoạn ba: Chương trình On the job training kéo dài một năm, vinh viên sẽ được gửi đi thực tập tại các trụ sở, chi nhánh của công ty phần mềm FPT trong nước cũng như quốc tế hoặc tại các đối tác CNTT khác, tham gia vào các dự án thực và học tập từ môi trường làm việc thực tế.

- Giai đoạn bốn: sinh viên sẽ quay trở về trường hoàn thành một số môn chuyên ngành hẹp và tốt nghiệp

Gia Bảo

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/39/giao-duc-viec-lam/83426/thuc-tap-ra-tien.aspx