Thực phẩm giữ giá sau Tết: Lo nhiều hơn vui

(Toquoc) – Người tiêu dùng đang rất kỳ vọng về việc giá thực phẩm “đứng yên” sau Tết. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại khuyến cáo người dân chớ vội mừng.

(Toquoc) – Người tiêu dùng đang rất kỳ vọng về việc giá thực phẩm “đứng yên” sau Tết. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại khuyến cáo người dân chớ vội mừng.

Thưa thớt kẻ bán, người mua

Không giống như mọi năm, đã sát rằm tháng Giêng song tại nhiều chợ ở Hà Nội vẫn rất thưa thớt kẻ bán, người mua. Nhiều sạp hàng còn chưa mở bán. Những sạp mở bán thì hàng hóa lẻ tẻ, thưa thớt.

Dạo một vòng quanh các chợ: Mơ tạm (Hoàng Mai), chợ Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), chợ NghĩaĐô (Cầu Giấy)… phóng viên ghi nhận giá rau, củ, quả, thịt, đồ khô… đều không tăng so với trước Tết.

Chẳng hạn, xu hào sau Tết giá vẫn chỉ 5 nghìn đồng/3 củ, súp lơ xanh, trắng giá 8-9 nghìn đồng/cái, cà rốt, cà chua giá 8 nghìn/kg….

Tương tự, giá các loại thịt: bò, gà, lợn…cũng không tăng so với trước Tết. Thịt thăn bò tại chợ Gốc Đề (phố Minh Khai) vẫn bán với giá như trước Tết: 260 nghìn đồng/kg, thăn lợn: 90 nghìn đồng/kg, gà ta: 130 nghìn đồng/kg…

Chị Minh – chủ một cửa hàng bán hoa quả tại chợ này than thở: “Đã qua mùng 10 Tết mà người đi chợ vẫn rất vắng. Dân buôn bán ở đây đều có số điện thoại của nhau. Gọi điện hỏi thăm, họ thấy chợ vẫn vắng khách nên vẫn chưa mở bán hàng vội. Nhiều người để qua rằm tháng riêng mới mở cửa hàng. Giờ tranh thủ đi chùa cầu may còn hơn”.

Chị Hà – chủ cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cũng chia sẻ, mọi năm, qua Tết chị bán rất đắt hàng, giá cũng tăng song năm nay hàng bán rất ế dù giá vẫn giữ nguyên. Kể cả lượng hàng đặt từ các nhà hàng cũng không nhiều như mọi năm.

“Cả buổi sáng có yến thịt bán mãi không hết. Có lẽ người dân ăn Tết phát ngán rồi nên ra Tết chơi và đi lễ chùa là chính”, chị nói vui.

Không chỉ tại các chợ, lượng người đến siêu thị mua sắm sau Tết cũng khá thưa thớt (ảnh: T.Xuân)

Tại các siêu thị chuyên về hàng hóa, thực phẩm thiết yếu như Big C, Fivimart, Hapro… giá cả không những không tăng mà còn phải tung ra nhiều chương trình khuyến mại đầu năm nhằm hút khách hàng.

Siêu thị Big C Thăng Long ngay mùng 3 Tết đã mở cửa bán hàng với ba chương trình khuyến mãi lớn gồm: “Giá rẻ bất ngờ - Còn chờ gì nữa”, “Tiết kiệm hơn cùng BigC” và “Đồ chơi cho bé - Giá ưu đãi cho mẹ” với hơn 1000 mặt hàng gồm các sản phẩm, thực phẩm tươi sống như thịt cá, trái cây, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ chơi... . Giá khuyến mãi của các mặt hàng này từ 5-35%, kèm nhiều ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Hà Nội cho biết: “Các chương trình khuyến mãi của BigC coi như món quà khai lộc đầu năm giúp khách hàng mua sắm những sản phẩm thiết yếu bổ sung cho nhu cầu của gia đình với chi phí tiết kiệm nhất”.

Tại hệ thống siêu thị Hapro, giá thực phẩm như: gạo, rau củ, thịt, cá… sau Tết không thay đổi so với trước Tết.

“Những tháng đầu năm 2014 dự báo giá các sản phẩm thiết yếu không tăng. Hapro đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, tặng quà cho người tiêu dùng trong suốt thời gian Tết. Sau tết, Hapro tập trung vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo nhất”, đại diện hệ thống siêu thị này cho hay.

Nhiều rủi ro?

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân sâu xa việc giá hàng hóa không tăng và tăng không đáng kể dịp trước và sau Tết Giáp Ngọ này lại xuất phát từ thực tế không mấy lạc quan: tổng cầu trong nền kinh tế giảm sút, sức mua thấp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm, giá cả ổn định do có sự tác động của biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời thể hiện sức mua đang rất thấp.

Ngoài ra, một điều dễ nhận thấy là thời tiết hơn hai tuần qua nắng ấm khiến rau quả phát triển tốt. Ra Tết, người dân lại cấp tập thu hoạch rau củ, quả để lấy ruộng cấy lúa nên tạm thời giá rau xanh rẻ như vậy.

“Chúng ta nên đánh giá nghiêm túc vấn đề này và cũng chưa nên vội mừng. Vấn đề là Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và giữ lạm phát thấp”, ông Doanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, rau, củ, quả… rẻ là do thời tiết ủng hộ. Ngoài ra, trước Tết sức mua yếu nên hàng hóa dồn lại, nhiều cửa hàng đã phải mở từ mùng 1 Tết để bán tống, bán tháo. Hơn nữa, tháng Giêng, người dân đang tập trung đi lễ chùa ở nhiều tỉnh xa nên nhu cầu về thực phẩm chưa nhiều như bình thường.

Vì những lý do trên, ông Phú cũng đồng quan điểm rằng, người dân đừng vội mừng và với ông, “lo vẫn nhiều hơn vui”.

“Do sức mua yếu nên người nông dân dễ bỏ chuồng trại, sắp tới tái đàn e rằng sẽ có vấn đề. Cộng với dịch cúm gia cầm đang ngày càng lan rộng sẽ là nguy cơ đẩy giá thực phẩm đắt lên. Hơn nữa, tình hình chính trị thế giới phức tạp, giá dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng tăng và từ đó sẽ phát sinh giá nhiều thứ khác cũng tăng lên theo. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là điều hành. Tôi đồng ý việc tăng thuế đối với những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như: rượu, bia… . Song đối với những mặt hàng thiết yếu thì các cơ quan điều hành cần phải “cầm trịch”. Một khi giá cả những mặt hàng này tăng thì chỉ khổ người nghèo. Những trường hợp tăng giá hợp lý, đem lại lợi ích cho người sản xuất trực tiếp thì cần được khuyến khích. Ngoài ra, cần quan tâm thực hiện các biện pháp để tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng”, ông Phú nhận định.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nhờ có biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ mà giá không tăng như trước đây, song những rủi ro vẫn còn rất nhiều.

“Sẽ có những rủi ro từ môi trường bên ngoài. Còn với trong nước, bản chất của năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư công… vốn đang rất “bành trướng” song năm 2013 những yếu tố này đã được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, cũng có mặt trái song hành như sản xuất đình trệ. Mà sản xuất đình trệ, doanh nghiệp kêu khó thì Nhà nước lại phải nới, phải thả lỏng. Và cái khó ở đây là nới lỏng như thế nào để rủi ro không quay lại?

Ngoài ra, rủi ro nữa là đối với hệ thống ngân hàng, chúng ta phải xử lý như thế nào để ngân hàng tuy tái cấu trúc nhưng vẫn ổn định để phục vụ sản xuất”, ông Thành nhấn mạnh.

Quỳnh Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/121736/thuc-pham-giu-gia-sau-tet-lo-nhieu-hon-vui.aspx