Thực phẩm an toàn cho ngày Tết

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc, nhu cầu về thực phẩm sẽ cao hơn so với thường ngày. Với mức sống được nâng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các loại thực phẩm sạch, an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người nông dân thay đổi tập quán, tư duy sản xuất, chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao

Là một trong những đơn vị triển khai mạnh và có hiệu quả về sản xuất nông sản sạch, an toàn, Hợp tác xã (HTX) rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông hiện có hơn bốn ha sản xuất rau, củ, quả an toàn, trong đó có trên 7.000m2 nhà màng, sản lượng bình quân của HTX đạt hơn 100 tấn/năm, doanh thu đạt xấp xỉ hai tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đạt gần một tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Giám đốc HTX chia sẻ: "Xu thế chung của người tiêu dùng hiện nay là thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc...Vì thế, ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, HTX đã xác định sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là xu thế chính trong tương lai. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn như GAP, HACCCP...sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được công nhận đạt hạng OCOP bốn sao. Sản phẩm của HTX không chỉ có mặt ở thị trường huyện Tam Nông mà còn tại nhiều siêu thị lớn như Coop Mart, Winmart+, vươn ra thị trường các tỉnh, thành như Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang..."

Người tiêu dùng có xu thế chuyển dần sang các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Từ khi xây dựng hệ thống nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX luôn tuân thủ quy tắc năm không là: Không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không thuốc diệt cỏ, không biến đổi gen và không kích thích tăng trưởng, giúp chi phí về vật tư, công lao động giảm, năng suất cây trồng cao gấp 2- 3 lần so với trước kia.

Cùng với mức sống được nâng lên, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, trong đó có nông sản. Dạo một vòng quanh các siêu thị, cửa hàng buôn bán nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Việt Trì sẽ thấy các nhà bán lẻ đều chú trọng phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu... đạt chứng nhận VietGAP hoặc tiêu chuẩn của chính nhà bán lẻ đưa ra cho đơn vị sản xuất. Quan trọng hơn, người tiêu dùng rất tin tưởng và hầu như chỉ lựa chọn sản phẩm có chứng nhận an toàn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Các loại thực phẩm có tem nhãn, đạt hạng OCOP là lựa chọn ưu tiên đối với người tiêu dùng

Chị Đỗ Thị Thanh Nga ở phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì chia sẻ: "Hiện nay việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn thực phẩm có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thông qua việc quét mã vạch hay QR, dù giá thành có thể cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không thể truy xuất nguồn gốc."

Xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung nhiều vào hàng Việt Nam chất lượng cao, trong đó có mặt hàng nông sản. Người tiêu dùng cũng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh, tiện dụng của sản phẩm. Trên thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm hữu cơ, VietGAP...lượng người tiêu dùng lựa chọn các loại nông sản đó cũng chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành năm 2021 đã khẳng định tiêu dùng bền vững là một trong những mục tiêu cần thực hiện. Các ngành chức năng, địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh. Vấn đề là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh cần có bước chuyển đổi tích cực, hướng đến mục tiêu “sản xuất xanh, sản xuất sạch” và “tiêu dùng bền vững”.

Các cơ sở kinh doanh mặt hàng tươi sống phải tuân thủ yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Phó Giám đốc Sở Công thương Đặng Việt Phương chia sẻ: Người tiêu dùng hiện nay không còn bằng lòng với nông sản không rõ nguồn gốc mà ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tại các cửa hàng lớn, siêu thị dù giá cao hơn so với tại các chợ truyền thống. Đây là cơ hội lớn để các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP, phát triển các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, bền vững.

Tuy nhiên, để các loại thực phẩm an toàn thực sự “phủ sóng” rộng khắp, cần sự chung tay của các cấp, các ngành, trong đó quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân cũng cần trở thành những “người tiêu dùng thông thái”.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/thuc-pham-an-toan-cho-ngay-tet/205448.htm