Thực hư chuyện 'đá nở hoa' ở Quảng Nam

Những ngày qua, nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến xem hiện tượng 'đá nở hoa' ở sông Trạm (một nhánh sông Tiên ở thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước, Quảng Nam).

Theo ghi nhận, đây là tảng đá khá lớn, nằm nhô ra giữa dòng sông Trạm (một nhánh sông Tiên ở thôn 2, xã Tiên An, huyện Tiên Phước).

Trên tảng đá xuất hiện một lớp xốp bám dưới chân tảng đá với nhiều màu sắc. Theo người dân địa phương, hiện tượng lạ này xuất hiện khoảng một tuần nay. Xung quanh khu vực này có rất nhiều tảng đá lớn nhưng duy nhất phiến đá này “nở hoa”.

Phiến đá xuất hiện hiện tượng lạ giống "nở hoa". Ảnh: V.X

Theo ông Nguyễn Chương (86 tuổi, trú thôn 5, xã Tiên An), hiện tượng kỳ lạ này không phải năm nào cũng có. Có thể là 5 năm, 10 năm và thậm chí là 15 năm mới xuất hiện một lần và chỉ ngay tại tảng đá này. Ông Chương cũng cho biết, màu sắc "hoa" thay đổi liên tục, vừa xuất hiện sẽ có màu đỏ, ít tiếng sau chuyển sang vàng, xanh, trắng… Gần đây nhất vào năm 2018, xuất hiện với diện tích lớn hơn.

Nhiều người dân ở đây nhận định, năm nào đá "nở hoa", năm đó thường xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn.

Ông Chương cạnh phiến đá có hiện tượng lạ. Ảnh: V.X

Một lãnh đạo UBND xã Tiên An cho biết, hiện tượng lạ kể trên thường xuất hiện 5-7 năm một lần. Những ngày đầu xuất hiện hiện tượng này, một số nhà khoa học về nghiên cứu và đưa ra nhận định, đây thực chất chỉ là địa y mọc trên đá. Theo chu kỳ, loại địa y này sẽ từ đá xuất hiện chứ không phải đá "nở hoa".

Về ý kiến của người dân rằng đây là điềm báo khô hạn, lãnh đạo địa phương nói chưa có tài liệu nào chứng minh, có thể đó chỉ là sự trùng hợp ở lần xuất hiện hiện tượng này trước đó.

Được biết, địa y là một dạng sống phức tạp, là sự hợp tác cộng sinh của hai sinh vật riêng biệt, một loại nấm và một loại tảo. Địa y là sinh vật tổng hợp bao gồm sự liên kết cộng sinh của một loại nấm (mycobiont) với một đối tác quang hợp (photobiont). Địa y có ở mọi nơi: Trên cây, trên dây điện, lốp xe hay đất đá và bia mộ...

Trong đó, địa y ở trên cây cho sinh khối lớn nhất và có giá trị trong khoa học lẫn thực tiễn. Có những loài dài đến vài mét và treo lơ lửng trên cành cây. Nhưng cũng có những loài chỉ vài milimét bám vào các tảng đá. Địa y không báo hiệu khô cằn, nắng nóng.

Địa y có nhiều ứng dụng trong thực tế, điển hình như trong nghiên cứu về khí hậu và y học. Địa y mẫn cảm với môi trường đến nỗi trên những cây mà địa y mọc lên, hướng nào có ẩm độ cao hơn thì địa y mọc nhiều hơn. Một số thành phố có môi trường ô nhiễm thường không có địa y mọc trên cây hay các vật ký chủ khác. Bản thân địa y không có hại gì cho con người và môi trường. Ngược lại, đây còn có nhiều dược tính và được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền chữa trị các bệnh về gan và phổi. Ngoài ra, địa y còn được ứng dụng trong mỹ phẩm.

Thiên Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hu-chuyen-da-no-hoa-o-quang-nam-306570.html