Thực hư “cây thần dược” trị xơ gan ở Khánh Hòa

Gần đây, ở xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa, rộ lên tin đồn về một loại cây rừng có khả năng chữa lành nhiều bệnh nan y, đặc biệt là bệnh xơ gan cổ trướng. Vì thế, ngày nào cũng có vài chục người - không riêng ở Khánh Hòa, mà còn ở Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tìm đến hỏi mua.

Mặc dù thực hư về công dụng của nó chưa được bất kỳ một cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm, đánh giá. Thậm chí tên nó là gì cũng chưa ai biết nhưng việc chặt hái loại cây này đang diễn ra ồ ạt!

1. Biết tôi ra Khánh Hòa để tìm hiểu về loại cây này - tôi tạm gọi là cây thần dược - anh Vương, bạn tôi, Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Long Sơn đã cử một cán bộ là anh Hải, đưa tôi đến tận nơi. Ngay đầu xã Ninh Vân, hỏi mấy đứa trẻ đang trên đường đi học thì tôi nhận ngay được một lô thông tin, nào là ông Hăng bị xơ gan cổ trướng, bác sĩ cho về nhà chờ chết nhưng uống cây thần dược trong 6 tháng, ông mạnh khỏe như thường, đi khám lại bác sĩ cũng kinh ngạc, đến cô em của anh Tư bán quán trong xã bị mạch lươn, mổ 2 lần nhưng vẫn còn lỗ rò. Ấy vậy mà chỉ uống thần dược trong 15 ngày, các lỗ rò ở cơ mông đã kín miệng, không còn thấy ra nước vàng, ra mủ.

Đặc biệt nhất là bà Bảy Đoan bị tiểu đường, trước khi uống thần dược, đường huyết của bà luôn thường trực ở mức 220mg/lít. Sau một tháng điều trị, đường huyết của bà chỉ còn 100mg/lít và từ đó đến nay, bà không cần sử dụng đến bất kỳ một loại thuốc nào. Những sự kiện ấy đã khiến phần lớn người dân xã Ninh Vân dù chẳng bệnh tật gì, cũng tìm cây thần dược nấu nước uống. Trước sân nhiều căn nhà, thần dược đổ đống, xắt lát phơi khô như khoai mì.

Theo sự chỉ dẫn của mấy đứa trẻ, tôi đến nhà ông Lê Hăng, người bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối nhưng đến nay vẫn sống khỏe. Nhà ông ở thôn Đông, có quán bán tạp hóa và trên bàn, lúc nào cũng có sẵn một bình nước nấu từ cây… thần dược! Đó là một loại nước màu vàng nhạt, không mùi vị, uống xong mới thấy hơi ngọt ở cuống họng.

Năm nay 51 tuổi, nhìn bề ngoài thì không một dấu hiệu nào chứng tỏ ông Hăng đã trải qua những ngày thập tử nhất sinh. Cao lớn, mập mạp, da mặt đỏ hồng, ông kể: "Tôi vốn có máu nghệ sĩ, đàn giỏi hát hay nên hầu hết cuộc vui nào trong làng cũng được mời tham gia. Mà đã tham gia thì phải… nhậu nên cuối năm 2009, tôi thỉnh thoảng thấy ngứa, kém ăn, bụng hơi trướng. Tuy nhiên, do chủ quan vì thấy vẫn khỏe mạnh nên tôi không để ý đến những triệu chứng này, cũng như không đi khám hoặc điều trị".

Giữa năm 2010, bụng ông càng lúc càng trướng to, ăn uống kém, bắp tay, ngực, bụng nổi lên những cụm mạch máu nhỏ nhìn như những ngôi sao, da vàng, nước tiểu cũng vàng đục, thường xuyên đau tức vùng dưới sườn phải, đại tiện rất khó khăn. Chị ông kể: "Những ngày đó, nó - tức ông Hăng - chỉ biết ngồi dựa lưng vào tường, thở dốc. Mỗi lần đi tiểu cũng phải có hai người xốc nách dìu đi".

Chịu không nổi, ngày 3/7/2010, gia đình đưa ông Hăng đến Phòng khám đa khoa Phúc Lộc ở đường Trần Quý Cáp, TP Nha Trang. Tại đây, sau khi cho làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ Trần Thành Luân ký kết luận: "Xơ gan, bụng có nhiều dịch". Ông Hăng nói: "Bác sĩ kê toa thuốc cho tôi về uống, hẹn nửa tháng sau tái khám".

Ngày 17/7/2010, ông Hăng quay lại Phòng khám đa khoa Phúc Lộc. Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán được bác sĩ Trần Ngọc Đông ghi rõ: "Xơ gan, dịch trong ổ bụng nhiều". Theo bác sĩ Đông, thì bệnh của ông Hăng đã ở giai đoạn cuối, gan đã mất bù - nghĩa là số lượng những tế bào gan còn lành lặn không đủ để hoạt động thay cho những chỗ đã bị xơ nên dù có rút bớt nước trong bụng ra, thì cũng chỉ giúp ông thấy dễ chịu một vài ngày chứ không giải quyết được gì vì dịch ổ bụng sẽ lại tiếp tục phát triển, chưa kể việc hút dịch ra sẽ khiến ông suy kiệt thêm. Ông Hăng nói: "Mặc dù vẫn kê toa thuốc, nhưng bác sĩ nói riêng với vợ tôi là nên đưa tôi về để chuẩn bị tinh thần lo chuyện hậu sự".

2. Trở về nhà, ông Hăng coi như đời mình đã hết. Ông không nằm được, chỉ ngồi dựa lưng vào tường, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp. Tuy nhiên, cũng ngay buổi chiều ông Hăng từ phòng khám về nhà thì một người tên Sinh, là công nhân trong đội làm đường giao thông vào xã Ninh Vân, lúc ngồi nhậu không thấy ông Hăng tham gia như mọi lần nên mới hỏi.

Chừng biết ông Hăng bị xơ gan, đang chờ chết thì hôm sau, anh Sinh mang đến cho ông Hăng một mớ rễ cây. Theo lời anh Sinh, ngày xưa ba anh hoạt động cách mạng và có thời gian ở chung với đồng bào dân tộc, ba anh thường thấy người dân tộc lấy loại cây này nấu nước uống chữa bệnh sốt rét trướng bụng nên khi nghe tin ông Hăng bị xơ gan, anh đã nhanh chóng chặt một mớ mang đến vì khi làm đường, anh thấy trên sườn núi Hòn Hèo có mọc loại cây này.

Ông Lê Hăng với một khúc "cây thần dược".

Có bệnh thì vái tứ phương, ông Hăng nói: "Theo hướng dẫn của anh Sinh, tôi xắt thân, rễ cây đó ra từng lát, lấy 200 gram nấu thành 2 lít nước, uống đại chứ chẳng hy vọng gì". 3 ngày đầu tiên kể từ khi uống, ông tiểu tiện, đại tiện nhiều, người nhẹ nhõm hẳn. Đến ngày 24/7 - nghĩa là 7 ngày sau khi Phòng khám Phúc Lộc cho về chờ chết, ông quay lại để kiểm tra. Kết quả siêu âm do bác sĩ Lương Quang Thạch ký, ghi rõ: "Xơ gan, dịch ổ bụng vừa phải".

Quá mừng rỡ, ông Hăng về nhà uống tiếp. Ông nói: "Càng lúc tôi càng thấy khỏe dần, bụng xẹp hẳn, ăn được, ngủ được". 5 tháng sau, khi tiến hành kiểm tra cho ông, bác sĩ Chiêm, Khoa Nội Bệnh viện đa khoa Ninh Hòa kết luận: "Gan bình thường, không có dịch trong ổ bụng".

Không chỉ riêng trường hợp ông Hăng. Một người nữa là ông Lượng, cũng ở xã Ninh Vân, em ruột một vị giám đốc sở ở Khánh Hòa. Khi trò chuyện với tôi, vị giám đốc sở này kể: "Thằng em tôi nhậu dữ lắm, ngày nào cũng nhậu, mỗi lần cả lít rượu đế. Riết rồi nó xơ gan cổ trướng. Đi Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa rồi vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, tất cả đều lắc đầu, khuyên đưa về nhà lo hậu sự. Vậy mà chỉ sau mấy tháng uống loại cây đó, nó bình phục hoàn toàn".

Cái tin ông Hăng, ông Lượng sống khỏe nhờ cây thần dược lan ra khắp xã. Theo chỉ dẫn của anh Sinh, vợ ông Hăng cùng bà Hồng - là người bạn thân - rủ nhau đi tìm, chặt về xắt lát phơi khô nấu nước uống. Dần dà, những người bị bệnh trong xã cũng bắt chước, nhất là khi có người ở Nha Trang, Phú Yên, Đắk Lắk, TP HCM, Đồng Nai nghe tin, tìm đến hỏi mua, thậm chí mua gửi cho thân nhân ở Mỹ, Canada, Pháp uống!

Riết rồi bất cứ ai đến xã Ninh Vân, ngoài chuyện ông Hăng, ông Lượng, đều được nghe về ông Võ Mừng đã hơn 80 tuổi, ba cô Yến làm ở Trạm y tế xã, bị viêm đa khớp mãn tính, đi đứng xiêu vẹo nhưng sau một thời gian uống "cây thần dược", sức khỏe ông được cải thiện, những cơn đau chấm dứt, sinh hoạt như người bình thường. Hay như cô Lan bị mụn bọc trên mặt, điều trị Tây y chỉ bớt chứ không hết. Nửa tháng uống thần dược, da mặt cô bây giờ… láng o!

Ông Cao Văn Lượng, làm nghề cắt cỏ bán cho những người nuôi bò, bị viêm khớp cổ tay rất nặng nhưng sau khi uống thần dược, ông khỏi hẳn. Một bà ở đảo Lý Sơn cũng bị viêm đa khớp vào Ninh Vân thăm họ hàng, nghe quảng cáo cây thần dược, bà ở lại nửa tháng để uống. Lúc hết bệnh, bà về Lý Sơn kể lại, dân Lý Sơn vào mua cả trăm ký thần dược đã phơi khô về uống vì đau lưng, nhức khớp là bệnh thường trực của người đi biển.

Theo lời bà Hồng, thì loại cây này mọc trên sườn núi Hòn Hèo, và chỉ mọc ở những chỗ đất "dẻo" - nghĩa là đất sét. Nó cũng không mọc thành từng cụm mà mọc rải rác mỗi chỗ một vài cây, cây này cách cây kia lắm khi cả vài trăm mét. Do bị chặt hạ quá nhiều nên bây giờ đi cả ngày, chỉ tìm được một, hai cây. Bà Hồng nói: "Tui bứng mấy cây non còn nguyên gốc, rễ, đem về trồng nhưng nó không sống được mặc dù tui thường xuyên bón phân, tưới nước". Nhiều người dân đã từng đi chặt, hái, cho biết là cả năm nay, họ chưa hề thấy nó ra hoa kết trái bao giờ.

Tôi quan sát một "cây thần dược" vừa mới được người dân chặt về. Đó là loại thân mộc, màu vàng nhạt nhưng khi phơi khô thì có màu trắng, thân cây phát triển khúc khuỷu như những cây hoa mai "kiểng" nhưng lại có rất nhiều gai nhọn, dài. Lá của nó ít, dài như lá tre nhưng ngọn lá không nhọn như lá tre mà lại bầu tròn. Khi cắt ra, phơi khô, nó có mùi thơm dịu.

“Thần dược” sau khi được phơi khô.

Bà Hồng, nói: "Theo kinh nghiệm của những người đã sử dụng, lấy khoảng 100gram, nấu với 3 ít nước cho tới khi nó rút xuống còn 2 lít rồi uống hàng ngày và có thể nấu 2 lần nhưng lần thứ hai thì chỉ lấy 1 lít". Tôi hỏi đã có ai bị tác dụng phụ nào chưa thì bà Hồng trả lời: "Có người uống tới ngày thứ ba thì thấy xây xẩm, chóng mặt nhưng qua ngày thứ tư, thứ năm thì hết. Từ khi biết loại cây đó tới nay, ở xã chưa ai uống mà phải vô bệnh viện vì ngộ độc".

3. Để kiểm chứng, tôi sang Trạm y tế xã Ninh Vân. Tại đây, anh Nguyễn Đăng Truyền là trưởng trạm, cho biết: "Giữa năm 2010, ông Lê Hăng ở xã có những triệu chứng vàng da, vàng mắt, phù chân, bụng trướng. Đi khám tại Phòng khám đa khoa Phước Lộc, Bệnh viện đa khoa tỉnh thì được kết luận là xơ gan giai đoạn 3".

Vẫn theo anh Nguyễn Đăng Truyền, thì sau khi uống loại cây chưa rõ danh tính, sức khỏe ông Hăng đã cải thiện, các triệu chứng đã hết. Anh Truyền nói: "Người dân trong xã thấy vậy bắt chước uống theo, hầu hết cho biết họ ăn ngon, ngủ tốt, giảm đau cơ, khớp, ngoại trừ một vài người mấy ngày đầu buồn nôn, chóng mặt nhưng tự khỏi".

Và mặc dù Trạm y tế xã đã liên tục khuyến cáo người dân phải thận trọng khi sử dụng loại cây này khi chưa rõ tính năng, tác dụng nhưng số người đi chặt hái, số người uống vẫn cứ tăng lên. Anh Truyền nói tiếp: "Trạm đã gửi công văn kiến nghị Phòng Y tế huyện Ninh Hòa cho tiến hành khảo sát, xác định tính chất hóa, lý, dược học của loại cây ấy".

Tiến sĩ y học Nguyễn Thướng, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: "Hầu hết những cây thuốc quý đang sử dụng trong Đông y thường bắt nguồn từ kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại cây này. Tôi khẳng định nó không nằm trong danh mục các cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc đang được sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh Đông y. Để hiểu rõ về nó, phải có cơ quan chức năng như Viện Dược liệu Trung ương phân tích, thử nghiệm, từ đó xác định đây có phải loại thuốc quý hay không.

Hội Đông y có chức năng cùng ngành y tế bảo tồn, phát huy vốn quý y học cổ truyền, kinh nghiệm điều trị trong dân gian nên rất hoan nghênh mọi thông tin về các cây thuốc quý. Tuy nhiên, nếu chưa được cơ quan chuyên môn kiểm chứng thì người dân không nên lạm dụng và tin tưởng mù quáng, bởi chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh một loại cây có thể trị bá bệnh".

Xưa nay, đã từng có nhiều người mắc phải những chứng bệnh nan y nhưng tự khỏi, và y học hiện đại vẫn chưa chứng minh được hết cơ chế của sự tự miễn, tự kháng. Vì vậy, đối với loại "cây thần dược" ở Ninh Vân, thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên nhanh chóng vào cuộc. Nếu quả thật nó có tác dụng thì biện pháp khoanh vùng để bảo vệ nó là việc rất cần thiết bởi lẽ nó sẽ là bước đột phá rất quan trọng trong việc điều trị xơ gan cổ trướng. Còn nếu lành bệnh chỉ là sự trùng hợp tình cờ thì cũng nên thông tin rộng rãi để người dân dược biết, tránh chuyện "tiền mất, tật mang"

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2012/5/78019.cand