Thực hiện văn hóa 'đã uống rượu, bia thì không lái xe'

Hiện nay, Công an TP Hà Nội đang triển khai quyết liệt việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Cách xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng, không vùng cấm, kết hợp với tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông.

Hình thành thói quen từ việc xử phạt không vùng cấm

Tại chốt Cổ Linh (quận Long Biên), đường rẽ vào Trường THPT Thạch Bàn, Nguyễn Tiến Dũng lái xe máy chở theo con đi thi nhưng bị giữ lại vì vi phạm nồng độ cồn. Ngay lập tức, tổ công tác hỗ trợ chở con anh đến điểm thi. Thừa nhận lỗi sai của mình nhưng anh Dũng muốn xin được “linh động” chỉ giữ giấy tờ để lấy xe đi về. Đại úy Nguyễn Sỹ Mạnh, Tổ công tác Y8/141 Công an TP Hà Nội đã hết lời giải thích đây là quy định, không thể không theo. Xin không được, anh Dũng nóng nảy: “Các anh làm chưa đúng quy trình”. Giải thích hàng chục phút nhưng anh Dũng vẫn cương quyết giữ “cái lý” của mình. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Tổ trưởng Tổ công tác Y8/141 từ tốn nói: “Anh phải biết rằng đã có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông anh không xin được đâu. Chúng tôi đã tạo điều kiện để đưa con anh đi thi dù đó không phải là trách nhiệm của đơn vị. Tuy nhiên, anh phải hiểu việc này là vì xã hội nhưng cũng vì bản thân anh và gia đình. Theo tôi, ngày đến làm thủ tục lấy xe ở xã Minh Cường (huyện Thường Tín) anh nên đi xe buýt, rất tiện bến mà cũng thuận lợi lái xe về luôn”. Lúc bấy giờ, anh Dũng mới đồng ý ký nhận vào biên bản để ra về.

Đại úy Nguyễn Sỹ Mạnh kiểm tra nồng độ cồn người dân lái xe tại chốt Cổ Linh, quận Long Biên.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường cho rằng: "Phản ứng đầu tiên của người vi phạm thường là xin lực lượng chức năng bỏ qua, tìm mọi cách không bị xử phạt. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi thực hiện xử phạt rất kiên quyết, không có vùng cấm. Bên cạnh đó, hằng ngày, mỗi tổ công tác kiểm tra 500-600 phương tiện, mỗi ca công tác và có nhiều tổ công tác thì số lượt người được kiểm tra rất lớn. Lực lượng này trở thành tuyên truyền viên đánh động vào ý thức của người dân, từ đó hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Tại cổng chào huyện Hoài Đức, Trung tá Nguyễn Xuân Trung, Tổ trưởng Tổ công tác Y9/141

, cho biết: “Việc xử phạt không du di còn thể hiện ở việc tất cả những trường hợp xử lý về an toàn giao thông đều không nghe điện thoại, ghi rõ nghề nghiệp, chức vụ của người vi phạm để gửi thông báo về cơ quan. Ngay cán bộ, chiến sĩ công an cũng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Chính chúng tôi cũng phải học “văn hóa grab” vì ai cũng có những lúc uống bia, rượu nhưng uống xong không lái xe để bảo đảm an toàn cho chính mình. Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ dần hình thành thói quen và văn hóa giao thông tốt”.

Hiểu đúng văn hóa rượu, bia để hành xử chuẩn mực

Uống rượu, bia là một nét văn hóa, vì vậy uống rượu, bia không hoàn toàn xấu nhưng uống cần chừng mực và đã uống thì không điều khiển phương tiện giao thông. Vì thế, theo PGS, TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), việc cấm rượu, bia trong lúc lái xe là một quy định văn minh và nhân văn. Văn minh ở chỗ xác định vị thế của con người không uống rượu, bia để làm chủ phương tiện hiện đại, làm chủ công nghệ chứ không phải lệ thuộc công nghệ hay bị công nghệ tác động. Nhân văn vì nó bảo vệ sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, bảo vệ chính sức khỏe người tham gia giao thông, an sinh của cả gia đình, xã hội... Xử lý nghiêm, không vùng cấm, không nể nang biểu hiện thái độ của người quản lý điều hành trong việc điều chỉnh các hành vi xã hội. Đây là thái độ cũng rất văn minh, mang tính công bằng, dân chủ cho xã hội. Việc này còn tác động trở lại, giáo dục ý thức của con người khi uống rượu, bia thì không lái xe.

Theo lực lượng chức năng, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình vi phạm nồng độ cồn giảm rõ rệt. Cuối năm 2022, cao điểm có ngày mỗi chốt công an Hà Nội xử lý đến hơn 10 phương tiện cả ô tô, xe máy. Hiện nay, mỗi chốt kiểm tra khoảng 500-700 phương tiện nhưng chỉ phát hiện một vài trường hợp hoặc không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn. Số liệu từ Công an TP Hà Nội cho thấy, từ ngày 15-1 đến 14-2, có 5.673 trường hợp vi phạm thì tất cả đều bị xử lý phạt tiền và tạm giữ phương tiện. Cho rằng người dân đã ý thức cao hơn trong sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường: "Điều này xuất phát từ việc xử lý không có vùng cấm và hiệu quả của công tác tuyên truyền giúp người dân ý thức rõ về tác hại của việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Thời gian qua, các cơ quan báo chí tuyên truyền rất tích cực. Trong quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân các quy định của pháp luật, chế tài xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn. Những người được kiểm tra, dù có cồn hay không cũng là những tuyên truyền viên cho bạn bè, người thân, gia đình, cơ quan biết việc xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng. Tình trạng vi phạm nồng độ cồn được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua số lượng vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm về số vụ, số người bị thương và số người chết). Tuy nhiên, với những người ý thức chưa cao, giá mà để người thân, người quen biết được nữa thì có lẽ họ sẽ xấu hổ mà không chống đối”.

Trung tá Nguyễn Xuân Trung đề xuất: “Ngoài vi phạm bị phạt tiền, tạm giữ phương tiện, tôi cho rằng những người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể cho đi làm vệ sinh công ích để họ vừa phải trả giá về hành vi vi phạm, vừa để cảnh tỉnh và giảm tải công việc cho những người quét dọn vệ sinh”.

Bài và ảnh: THÁI THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/thuc-hien-van-hoa-da-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe-720352