Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đại biểu dân cử

Cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam.

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát các tuyến tránh quốc lộ 1 qua Phú Yên. Ảnh: THÙY THẢO

Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát các tuyến tránh quốc lộ 1 qua Phú Yên. Ảnh: THÙY THẢO

Nhân kỷ niệm 75 năm sự kiện trọng đại này, Báo Phú Yên phỏng vấn Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hồng Vân.

75 năm qua, các thế hệ ĐBQH của tỉnh đã dành nhiều tâm huyết cho hoạt động của Quốc hội, có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đại biểu dân cử, tích cực tham gia các hoạt động tiếp xúc, giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với cử tri, thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; kịp thời phản ánh về những vấn đề quan trọng đang được đông đảo cử tri quan tâm đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và trong diễn đàn Quốc hội.

* Xin ông cho biết ý nghĩa Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam?

- Ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ cộng hòa dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Thắng lợi này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta; là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân

* Theo ông, những thành tựu nổi bật mà Quốc hội đã đạt được trải qua 75 năm hình thành và phát triển là gì?

- Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ ĐBQH luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội khóa I (trong 14 năm hoạt động) đã xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác, đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng. Giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1960-1975), Quốc hội các khóa II, III, IV và V hoạt động trong một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã triển khai thực hiện đường lối, nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Hiến pháp năm 1959.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất trọng đại là chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI vào năm 1976. Từ khóa VI-XIV hiện nay, Quốc hội đã phát huy, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình và uy tín ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước và hội nhập quốc tế.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn của các khóa trước, Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đã có những đổi mới quan trọng. Nhiệm kỳ này, số lượng ĐBQH chuyên trách 34,91%, cao nhất so với nhiệm kỳ Quốc hội các khóa trước. Điểm mới trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã có sự đổi mới phương thức hoạt động, như: lần đầu tiên sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH trên các thiết bị thông minh; đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”; tại Kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Tính công khai, minh bạch trong hoạt động Quốc hội được nâng lên. Việc tăng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp, các nội dung phiên họp tại hội trường đã tạo điều kiện đưa hoạt động của Quốc hội gần với người dân hơn.

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (phải) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Tuy An. Ảnh: THÙY THẢO

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (phải) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Tuy An. Ảnh: THÙY THẢO

* Đoàn ĐBQH Phú Yên đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, Đoàn ĐBQH tỉnh ngay từ những ngày đầu đã góp phần tích cực vào sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Phú Yên luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng. Ngày 6/1/1946, công dân Phú Yên từ 18 tuổi trở lên tham gia bầu cử Quốc hội, bất chấp sự chống phá quyết liệt của kẻ thù. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, Phú Yên có 98% cử tri đi bầu, bốn vị đại biểu Huỳnh Lưu, Phạm Ngọc Quế, Trần Quỳnh, Phan Lưu Thanh đã trúng cử ĐBQH. Từ đó đến nay, đông đảo cử tri Phú Yên phát huy truyền thống cách mạng luôn quan tâm và hưởng ứng việc bầu cử Quốc hội. Trải qua 14 khóa, cử tri trong tỉnh đã bầu 40 đại biểu ưu tú vào Quốc hội.

* Ông đánh giá thế nào về nhiệm kỳ của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV sắp kết thúc?

- Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm của ĐBQH các khóa trước, Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tỉnh khóa XIV đã có nhiều cố gắng, đổi mới và nỗ lực, phát huy năng lực, trí tuệ, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của mình tham gia thảo luận với nhiều ý kiến có chất lượng trên các lĩnh vực như: xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong nhiệm kỳ, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức một số hoạt động như: gặp mặt các vị ĐBQH tỉnh qua các thời kỳ; gặp mặt Hội Đồng hương Phú Yên và học viên, sinh viên Phú Yên đang học tập, nghiên cứu tại Hà Nội; thăm, tặng quà các vị nguyên là ĐBQH, gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam dioxin, học sinh dân tộc thiểu số nghèo học giỏi; kịp thời hỗ trợ gạo cứu đói cho người nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giữa đại dịch COVID-19, các hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt; xây tặng nhà Tình nghĩa… với tổng số tiền từ ngân sách nhà nước và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ trên 20 tỉ đồng…

* Xin cảm ơn ông!

THÙY THẢO (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/250832/thuc-hien-tot-chuc-nang-nhiem-vu-cua-dai-bieu-dan-cu.html