Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm A

Thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, các ca bệnh cúm A gia tăng. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên, thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch, vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, cũng như cách phòng tránh, phóng viên Báo Sơn La đã cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh kết hợp tuyên truyền người nhà bệnh nhân phòng ngừa bệnh cúm A.

PV: Xin bác sỹ cho biết nguyên nhân, triệu chứng của bệnh cúm A?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.

Các virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người khác thông qua ho hoặc hắt hơi qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus của người bệnh hoặc đôi khi có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng có virus cúm và chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ. Bệnh cúm A xuất hiện do sự xâm nhập và nhân lên của virus cúm vào tế bào biểu mô đường hô hấp. Tại Việt Nam, các ca cúm thường gây ra bởi nhóm virus cúm chủng A, B, C. Trong đó, type A là thể gây bệnh phổ biến và lây lan nhanh hơn.

Một người có thể bị nhiễm cúm A khi sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (ly, chén, muỗng, khăn, quần áo...) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà (nắm cửa, bàn, ghế...), sau đó đưa lên mũi, miệng. Hoặc tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm. Nơi tập trung đông người cũng là điều kiện để virus lây lan nhanh chóng.

Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết, như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt cao trên 38,50C, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức xương, tê bì chân tay... Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch. Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai cần theo dõi sát vì một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong.

PV: Bác sỹ cho biết tình hình dịch bệnh cúm A trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Nếu tính từ năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ dịch cúm. Trong đó, 1 vụ dịch xảy ra tại 11/12 xã, phường của thành phố Sơn La, khởi phát từ ngày 13/12/2019, kết thúc ngày 10/1/2020, với 356 ca mắc, không có ca tử vong. 1 vụ dịch xảy ra tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, bản Pát, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Dịch khởi phát ngày 27/12/2019, kết thúc ngày 16/1/2020. Tổng số ca mắc trong ổ dịch là 198 ca, không có trường hợp tử vong.

Riêng trong tháng 6/2022, toàn tỉnh ghi nhận 662 ca, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy tích 6 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 4.572 ca (giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021). Vì là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, đặc biệt tại các nơi tập trung đông người, nơi buôn bán, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm...

PV: Việc điều trị bệnh cúm A được thực hiện thế nào, thưa bác sỹ?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh cúm A. Tuy vậy, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng, song cần được kê đơn từ bác sĩ, tránh trường hợp tự ý mua thuốc. Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm phục hồi sức khỏe nhanh hơn, như: Tự cách ly để hạn chế lây nhiễm lan rộng; nghỉ ngơi, thư giãn trong môi trường sạch sẽ, an toàn; bổ sung nhiều nước; cung cấp cho cơ thể đủ dinh dưỡng; ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu để bù nước do mất nước khi sốt; rửa tay sạch thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng; đeo khẩu trang khi ra ngoài, ở nơi đông người; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khủy tay hoặc giấy ăn để tránh lây nhiễm; chủ động tiêm vắc xin phòng Cúm hằng năm. Trường hợp người bệnh có những triệu chứng trở nặng, cần đến cơ sở y tế để được tiếp nhận những dịch vụ y tế sớm, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh gây ra.

PV: Bác sỹ có khuyến cáo gì cho người dân về phòng ngừa bệnh cúm A?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Có rất nhiều biện pháp phòng ngừa cúm A cho trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, ngành Y tế khuyến cáo nên thực hiện những biện pháp sau: Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch. Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng. Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Tiêm dự phòng, nhắc lại vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sỹ.

Hồng Luận (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuc-hien-dong-bo-cac-bien-phap-phong-ngua-benh-cum-a-52569