Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh ta đã triển khai, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đưa Thanh Hóa trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung, chương trình đang có những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Thảo luận làm việc nhóm tại buổi tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp thôn, bản năm 2023.

Lúng túng trong thực hiện

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhưng đến năm 2022 mới triển khai thực hiện và đến tháng 7/2022 mới phân bổ nguồn kinh phí. Do chậm được triển khai, chậm giải ngân vốn, lại phân bổ dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải nhiều, trong khi một số văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của Trung ương, của tỉnh chậm ban hành hoặc ban hành nhưng chưa phù hợp; nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần (khoảng trên dưới 60 văn bản khác nhau)... Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện.

Đơn cử như, đến ngày 24/6/2023, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Theo đó, bãi bỏ các thông tư có liên quan để thống nhất thực hiện.

Về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển cần nhiều thời gian để cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong khi một số quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai... chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công dù đã được phát hiện nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc kiểm soát chất lượng hồ sơ dự án do đơn vị tư vấn lập còn yếu kém, dẫn đến chưa đảm bảo yêu cầu khi thẩm định...

Đối với các dự án sử dụng vốn sự nghiệp, đa số các đơn vị, địa phương được giao vốn để thực hiện các dự án, tiểu dự án đều giải ngân chậm hoặc giải ngân rất thấp, nhất là các nội dung thuộc dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể là chính sách đào tạo nghề, đối tượng được hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên lại chưa có văn bản nào quy định cách xác định “người lao động có thu nhập thấp”, trong khi thực tế các huyện miền xuôi hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là người không có khả năng lao động, trẻ em nên gặp khó trong việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề...

Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng; thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Đối với người nghèo vẫn còn một bộ phận chưa chịu khó làm ăn, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Giải pháp căn cơ

Giai đoạn 2024-2025 để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 4% đến 5% trở lên. Phấn đấu 2 huyện Thường Xuân và Bá Thước thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; có ít nhất 1 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn... Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp thiết trước mắt là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức.

Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, một số hộ trên địa bàn xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc) đã đầu tư chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành quản lý chương trình. Hoàn thành việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định. Kịp thời ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình, các dự án, tiểu dự án thành phần theo hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan. Bố trí nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, địa phương để đối ứng và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư chương trình MTQG. Các sở, ngành chức năng nâng cao trách nhiệm, tích cực đấu mối với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành liên quan để tranh thủ những giải pháp, hướng dẫn. Từ đó, chủ động hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp thuộc chương trình, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, phê duyệt chi tiết từng hoạt động của các dự án, tiểu dự án triển khai thực hiện đúng quy định; quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích; công khai, dân chủ; có hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định.

Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo thông qua các dự án mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, kết nối việc làm. Huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân cho công tác giảm nghèo; bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo... coi đây là các giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-nhieu-kho-khan-vuong-mac-can-thao-go-213278.htm