Thúc đẩy xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng

Trọng tâm của Ngày Thế giới chống lao động trẻ em (12/6) năm 2016 là 'Lao động trẻ em và chuỗi cung ứng'.

Đây được xem là một cơ hội thúc đẩy những hành động cụ thể thực hiện để bảo vệ lao động trẻ em, thúc đẩy các chính phủ đẩy mạnh những nỗ lực nhằm giúp trẻ em thoát khỏi các chuỗi cung ứng.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Các chuỗi cung ứng là chuỗi các hoạt động, quy trình liên quan đến việc sản xuất và phân phối các sản phẩm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng đã trở nên ngày càng phức tạp, liên quan đến người lao động, người sản xuất nhỏ, và các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Trong khi hầu hết lao động trẻ em được phát hiện làm việc trong thị trường sản xuất trong nước, trẻ em cũng có thể phải làm việc trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho xuất khẩu.

Một số công ty sản xuất sô-cô-la nổi tiếng của Thụy Sĩ bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Thực tế, các công ty này không sử dụng lao động trẻ em nhưng truy đến tận các đồn điền trồng cây ca cao làm nguyên liệu sản xuất ra sô-cô-la thì lại có trẻ em làm việc.

Hiện nay, một số công ty mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu cũng đang bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Theo cáo buộc này, lớp nhũ sơn móng tay được làm từ các vỏ sò, vỏ ốc do những trẻ em Ấn Độ nhặt nên sản phẩm bị kết luận có sử dụng lao động trẻ em.

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng khi xây dựng thương hiệu nếu không để ý đến vấn đề lao động trẻ em rất dễ bị hạn chế khi gia nhập TPP.

Vì vậy, cần nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, gia đình và chính bản thân các em về vấn đề này. Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết:

Một số cấp ngành và địa phương vẫn cho rằng giải quyết vấn đề lao động trẻ em là vấn đề nhân đạo nên chỉ trông chờ vào các nguồn lực vận động xã hội để trợ giúp trẻ em thoát khỏi tình trạng lao động sớm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động trẻ em, quyền trẻ em.

Nhận thức chưa rõ ràng

Dẫn số liệu Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012, trong tổng số 1,75 triệu lao động trẻ em, có gần 569.000 em, chiếm 32,4% có thời gian làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần. Thời gian lao động kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tham gia học tập của trẻ em, có 96,2% số trẻ em này hiện tại không đi học.

Riêng tại Hà Nội, có hơn 21.000 trẻ em dưới 17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Đây cũng là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống.

Thực tế, đặc điểm của làng nghề là tận dụng lao động nhàn rỗi trong đó có lao động trẻ em, một số nghề truyền thống cũng phù hợp với sức lao động của các em.

Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức về lao động trẻ em tham gia hoạt động kinh tế còn chưa rõ ràng nên việc sử dụng lao động trẻ em tại các làng nghề vẫn đang phổ biến.

Lao động trẻ em có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về tâm lý và sức khỏe của trẻ em, hạn chế cơ hội đến trường của các em và ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm bền vững trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách vững chắc để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.

Việt Nam đã thực hiện một số chương trình, dự án cấp Trung ương và địa phương để giảm thiểu lao động trẻ em. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên lao động trẻ em vẫn còn ở một số nơi, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức.

“Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với tổ chức Lao động Quốc tế và các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức liên quan triển khai các mục tiêu về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Lao động trẻ em là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tất cả các hiệp định quốc tế đều có quy định tiêu chuẩn về lao động trẻ em. Khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định TPP, một số mặt hàng sẽ đối diện với nguy cơ không thể xuất khẩu đến những nước có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ... nếu trong sản phẩm có hàm lượng lao động trẻ em.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thuc-day-xoa-bo-lao-dong-tre-em-trong-chuoi-cung-ung-1923043-b.html