Thúc đẩy tri thức hóa nông dân

Gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với việc trao quyền chủ thể, nông dân đã có những bước thay đổi cả về tư duy và hành động. Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ đây, Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định nông dân trong giai đoạn 10-15 năm tới không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển, nghĩa là vai trò và vị thế của nông dân phải khác trước. Muốn vậy, tri thức hóa nông dân là chủ trương lớn để có thể hình thành một thế hệ nông dân mới.

CÁNH ĐỒNG KHÔNG DẤU CHÂN

Đó là thực tế hằng ngày diễn ra tại Nông trang Thiên Nông, huyện Bù Gia Mập. Chủ động áp dụng tưới tiêu tự động dùng internet vạn vật thông qua hệ thống cảm biến, van điện từ với nguồn nước mưa sạch được lọc từ các bể chứa lớn; lắp đặt điện mặt trời áp mái; giám sát vườn bằng hệ thống camera; xịt thuốc trị bệnh phấn trắng, vàng lá trên cây cao su bằng máy bay không người lái, những nông dân như anh Đặng Dương Minh Hoàng đã không còn cảnh chân lấm tay bùn.

Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là một trong những biện pháp để người nông dân trở nên chuyên nghiệp trên vườn rẫy của mình

Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là một trong những biện pháp để người nông dân trở nên chuyên nghiệp trên vườn rẫy của mình

Nền nông nghiệp dựa trên đúc rút kinh nghiệm từ những lão nông tri điền đã qua. Nước ta đang chuyển mạnh sang làm nông nghiệp tri thức và công nghệ. Anh Hoàng cho biết, Nông trang Thiên Nông cũng đang áp dụng “Nhật ký số trong sản xuất” nhằm cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết sản phẩm sạch và xanh, bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Từ khóa “Bơ ông Hoàng Bình Phước” hiện có thể dễ dàng tìm thấy trên Google. Đây cũng là một trong những kết quả tích cực mà chúng tôi có được trong việc xây dựng thương hiệu. Trên cơ sở đó, tôi mong muốn nhiều nông dân tỉnh nhà cũng có thể làm được như Nông trang Thiên Nông để đưa Bình Phước phát triển hơn nữa theo phương châm “muốn đi xa thì đi cùng nhau” - anh Hoàng chia sẻ.

PHÁT HUY VAI TRÒ TRUNG TÂM

Nông dân trong giai đoạn 10-15 năm tới không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kỹ năng tổ chức, kỹ năng thực hiện, kỹ năng quản trị đồng ruộng là 3 yếu tố quan trọng nhất của nông dân. Do đó, muốn thay đổi phải đào tạo một thế hệ nông dân mới của thời đại chuyển đổi số, phải coi việc đào tạo như đầu tư cho phát triển nông thôn. Từ đó, hình thành các tầng lớp nông dân mới, họ là các doanh nhân trên đồng ruộng.

Áp dụng công nghệ số 4.0, anh Đặng Dương Minh Hoàng là thế hệ nông dân mới không còn cảnh “chân lấm tay bùn”. Ảnh: Viết Bằng

“Chúng tôi đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân để họ thấy và tự nguyện áp dụng cái mới vào sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường chứ không phải chỉ ở vườn và chờ thương lái đến hỏi. Sản phẩm của người nông dân giờ không chỉ thuần túy là sản phẩm nông nghiệp mà phải trở thành thương phẩm”.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

Hiện tỉnh cũng đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. Hợp tác xã là đại diện triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp và cũng đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để nông dân được trang bị thêm kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời vận động nông dân tham gia xây dựng các vùng liên kết sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo tính toán, trong 10-15 năm tới sẽ có khoảng 25 triệu dân nông thôn chuyển thành dân đô thị. Khi đó, lớp nông dân chuyên nghiệp sẽ còn khoảng 5-10%. Làm nông là một nghề có tri thức. Vì vậy, tổ chức lại đào tạo và trao quyền là cách để có một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên tư duy công nghiệp từ thế hệ nông dân mới.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/136465/thuc-day-tri-thuc-hoa-nong-dan