Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Sáng 17/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 'Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới'; đồng thời họp báo công bố ấn phẩm 'Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: nhandan.vn

Phát biểu khai mạc, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: Với truyền thống là đơn vị hàng đầu về tư vấn chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội cho Đảng, Nhà nước, hàng năm, nhà trường phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức một hội thảo quốc gia thường niên, để đánh giá tổng quan kinh tế và triển vọng kinh tế của năm tiếp theo. Đồng thời, công bố một trong những ấn phẩm quan trọng nhất của nhà trường, thể hiện tiếng nói của các nhà khoa học đối với các vấn đề của nền kinh tế.

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho biết: 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây khi phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước COVID – 19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

Theo Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, tổng cầu đóng vai trò quan trọng để xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Tóm tắt báo cáo “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023”, Giáo sư – Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro và bất ổn, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ tăng 3,74% so với năm trước (thấp so với mức tăng trưởng trung bình các năm 2015-2019 là 8,6%). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Tổng lượng giao dịch 4 quý năm 2023 đạt khoảng 18.600 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chỉ bằng 17% so với năm 2018, thời điểm trước đại dịch COVID-19.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%). Động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng. Tính đến cuối năm 2023, tín dụng nền kinh tế tăng 13,5% (năm trước tăng 14,5%) trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 14%.

Nhận định về triển vọng năm 2024, theo Giáo sư – Tiến sĩ Tô Trung Thành, tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023. Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% do Quốc hội đề ra. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Từ thực tế đó, khuyến nghị chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu. Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.

Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công,cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-day-tong-cau-de-tang-truong-kinh-te-trong-boi-canh-moi-20240417120322961.htm