Thúc đẩy thành lập tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp

Việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể... là rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã khẳng định như vậy trong chuyến khảo sát thực tế tại một số tỉnh phía nam.

Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc với các sở, ban, ngành TPHCM về việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN. Ảnh: VGP/Lê Anh

Những tín hiệu tích cực

Từ 24-31/3, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa dẫn đầu đã đi khảo sát và làm việc tại Cần Thơ, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế. Đoàn đã đến làm việc với một số DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài; công ty cổ phần, hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân...

Kết quả khảo sát việc thành lập tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và phụ nữ trong các loại hình doanh nghiệp nêu trên cho thấy đã có hơn 1.100 tổ chức Đảng; gần 16.000 tổ chức công đoàn; trên 2.300 tổ chức đoàn thanh niên được thành lập trong các DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đây là kết quả khá tích cực tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam, nơi đang có kinh tế phát triển rất năng động. Đồng thời, các tổ chức Đảng, đoàn thể này đã giúp cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động được hài hòa, phát triển mạnh và bền vững.

Tuy nhiên cũng còn không ít DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp chưa muốn có tổ chức chính trị, chính trị-xã hội để giảm trách nhiệm với người lao động, tăng lợi nhuận trong việc không đóng hoặc đóng chậm bảo hiểm xã hội, các quyền lợi về chế độ, chính sách khác...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trao đổi với lãnh đạo các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương. Ảnh: VGP/Lê Việt

Thúc đẩy thực hiện Nghị định 98

Làm việc với lãnh đạo UBND Cần Thơ, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và lắng nghe một số chủ doanh nghiệp phát biểu, các đại biểu đều thống nhất chung nhận định, Nghị định 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014, quy định việc thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội tại các DN thuộc mọi thành phần kinh tế của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Nghị định là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội; tiếp tục hoàn thiện pháp luật để doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để thúc đẩy việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Đoàn công tác liên ngành Trung ương đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tại 4 tỉnh, thành phố nêu trên tăng cường quán triệt cho chủ doanh nghiệp về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp nhận thức đúng và đầy đủ, tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Đặc biệt là các ban ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn nhằm khuyến khích, động viên người lao động tham gia vào tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Các cơ quan chức năng cũng cần có có nhiều biện pháp để hướng dẫn, động viên, thuyết phục DN liên doanh với nước ngoài và DN 100% vốn nước ngoài có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức đảng, đoàn thể khác để bảo vệ quyền và lợi ích của chủ doanh nghiệp, người lao động. Tập trung xây dựng và củng cố tổ chức công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp; hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập tổ chức công đoàn theo Luật Công đoàn và Bộ Luật Lao động. Khuyến khích thành lập tổ chức Đảng (theo Điều lệ Đảng) khi đủ điều kiện có từ ba đảng viên chính thức trở lên.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng nhấn mạnh, các tổ chức đoàn thể tại địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực hơn vào sản xuất kinh doanh của DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Tổ chức Đảng, đoàn thể mạnh thì DN mạnh, làm cho địa phương càng phát triển, đời sống người lao động càng sung túc, ấm no”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ.

Lê Việt

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/thuc-day-thanh-lap-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-trong-doanh-nghiep/251170.vgp