Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức!

Tăng trưởng xanh là xu thế tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng tới. Để thúc đẩy tiến trình này cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức.

Tại Tọa đàm “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng nay (27/4), ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới.

Ông Nguyễn Văn Toàn (bên trái) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI; ông Nguyễn Quang Vinh (giữa) - Phó Chủ tịch VCCI và ông Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham dự Tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bên trái) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI; ông Nguyễn Quang Vinh (giữa) - Phó Chủ tịch VCCI và ông Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham dự Tọa đàm

Nhận thức rõ điều này, Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, bên cạnh vai trò định hướng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, thì cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Theo tính toán, hiện khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như: Năng lượng tái tạo hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho nền kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp cũng ý thức được vai trò quan trọng của tăng trưởng xanh và tích cực theo đuổi mục tiêu này, trong đó, Tập đoàn Nestlé là một ví dụ. Theo ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé: Không chỉ hướng đến sản xuất xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, Nestlé còn thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, trong quá trình tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả của họ nhưng đồng thời vẫn giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Tăng trưởng xanh là xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đang hướng tới

Tăng trưởng xanh là xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đang hướng tới

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp rất tích cực cho tăng trưởng xanh, thì vẫn còn không ít những doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Theo báo cáo về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính lũy kế đến hết năm 2021 thì chỉ có 5% là công nghệ cao, 15% là công nghệ lạc hậu, 8% là công nghệ trung bình. Đây là con số đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài có hiệu quả đã chỉ ra rằng, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới cần thay đổi cách tiếp cận, từ việc thu hút sang việc hợp tác một cách có hiệu quả, tạo sự kết nối lan tỏa từ khu vực kinh tế nước ngoài với trong nước để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Và mục tiêu phát triển bền vững bao trùm bao gồm mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, để thực hiện được Chiến lược Tăng trưởng xanh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn xã hội. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện chính sách pháp luật cho trăng trưởng xanh, và cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng phải đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cụ thể, về phía Chính phủ, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp nhà đầu tư thực hiện tối đa phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, giảm thiểu tối đa các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính, cùng với đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi cách thức sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tài chính xanh...

Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD): Theo thống kê VBCSD, mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4-5 nghìn tỷ đô và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm mới thông qua các mô hình kinh doanh mới. Trong khi đó, nhận thức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về vấn đề phát triển bền vững nói chung và tăng trưởng xanh còn hạn chế.

Do vậy, để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam chớp được cơ hội này, theo ông Nguyễn Quang Vinh vấn đề thay đổi nhận thức là vô cùng quan trọng, từ nhận thức đó mới giúp doanh nghiệp hành động và đầu tư công nghệ cho tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI - Chủ tịch VBCSD: Thời gian qua, VCCI cũng đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững. Đây là Bộ Chỉ số đầu tiên ở Việt Nam để đo lường tính bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể soi vào đó để thấy mức độ bền vững của mình trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường như thế nào.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-tang-truong-xanh-tai-viet-nam-can-bat-dau-tu-thay-doi-nhan-thuc-252040.html