Thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Bao giờ tiềm năng thành hiện thực?

Trông người lại ngẫm đến ta, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam mà sâu xa hơn là nền công nghiệp văn hóa hiện sở hữu nhiều tiềm năng nhưng cần có cách tiếp cận đa chiều hơn để thành công tiến ra thị trường thế giới.

Hai đêm nhạc của các cô gái đen - hồng đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn phủ sóng mạng xã hội qua những khen chê, tranh cãi. Đến tận hôm nay, khán giả vẫn nói về các cô gái xinh đẹp này. Họ đã chiếm sóng truyền thông Việt Nam suốt một thời gian dài, đây là điều mà không một nghệ sĩ nào hay một show diễn nào Việt Nam làm được. Nhưng dù khen chê tranh cãi, vẫn không thể không thừa nhận sức ảnh hưởng của các thần tượng (idol) Hàn Quốc là rất lớn, nhưng đằng sau đó còn là sự ảnh hưởng của nền công nghiệp văn hóa từ xứ sở Kim Chi. Trông người lại ngẫm đến ta, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam mà sâu xa hơn là nền công nghiệp văn hóa hiện sở hữu nhiều tiềm năng nhưng cần có cách tiếp cận đa chiều hơn để thành công tiến ra thị trường thế giới.

Tiềm năng vẫn chờ đánh thức

Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là “chất liệu” cho công nghiệp văn hóa Việt Nam khởi sắc nhưng “mỏ vàng” ấy cần được đầu tư đúng cách thì mới khơi dậy hết tiềm năng. Việc chất xám “bị đánh cắp” hay những rào cản trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa “made in Việt Nam” với các sản phẩm ngoại không phải là câu chuyện mới. Vậy công nghiệp văn hóa là gì, liệu chúng ta đã ý thức được giá trị của “viên ngọc thô” này và có sự chăm chút xứng đáng để nó tỏa sáng?

Mọi quốc gia đều có nền văn hóa - nghệ thuật nhưng không phải quốc gia nào cũng có công nghiệp văn hóa. Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương) cho rằng chúng ta đang nói tới một nền công nghiệp văn hóa được gọi tên mà chưa được định hình.

Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Lấy ví dụ để hình thành công nghiệp điện ảnh, bà Quý Phương cho rằng phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh là đạo diễn, biên kịch, diễn viên..., khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh là xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả...

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đồng tình với quan điểm trên. Ông cho hay tại Việt Nam, cơ cấu của công nghiệp văn hóa gồm 12 ngành: Điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa; quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, mang lại 29,5 triệu việc làm, tức là nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (25 triệu). Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động.

Theo số liệu của UNESCO, năm 2017, các ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc đóng góp 4,23% vào GDP quốc gia, tăng 12,8% so với năm 2016 và tạo ra 21,4 triệu việc làm. Trong khi đó, các sản phẩm của làn sóng giải trí Hàn Quốc (Hallyu) đã đóng góp 10,8 tỷ USD vào GDP theo thống kê năm 2019. Tính đến tháng 8/2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 Trung tâm Văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu. Bằng cách đó, “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu. Có thể thấy, Hàn Quốc đã xây dựng được “đế chế” văn hóa, giải trí khiến cả thế giới kinh ngạc.

Lý giải sự thành công này, TS Đặng Thiếu Ngân - chuyên gia hàng đầu về làn sóng Hàn lưu (Hallyu) chỉ ra: Từ những năm đầu thập niên 1990, những người làm trong ngành công nghiệp âm nhạc Kpop như nhà sản xuất, các công ty giải trí, các quan chức quản lý về luật định... đã có rất nhiều nghiên cứu, thảo luận, xây dựng mô hình và đánh giá từ các thực tế để ngày càng hoàn thiện và tiếp cận đến phạm vi khán giả rộng lớn hơn.

Họ không ngừng làm mới bản thân, sẵn sàng đầu tư để học hỏi từ những nền công nghiệp âm nhạc, giải trí tiên tiến, đồ sộ.Họ chấp nhận những khái niệm từ văn hóa toàn cầu rồi sau đó “Hàn hóa” để ngày càng hoàn thiện Kpop chỉn chu hơn, hấp dẫn hơn, độc đáo hơn. Sự nổi tiếng và ảnh hưởng toàn cầu của các nhóm nhạc như BTS, BLACKPINK... đằng sau đó là sức ảnh hưởng của một nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh.

Nhìn về những nỗ lực của xây dựng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, chúng ta đã và đang dần có được những nhân tố có thể vươn ra thế giới nhưng nếu chỉ trông chờ vào những nỗ lực, mong muốn của một vài cá nhân kiểu như “See tình” của Hoàng Thùy Linh thì rất khó. Âm nhạc Việt Nam muốn vươn ra thế giới, muốn có những BTS, BLACKPINK thì cần có chính sách phát triển bền vững ở tầm quốc gia.

Những con số này cho thấy công nghiệp văn hóa đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia và mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ là hướng đi thức thời của Việt Nam.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Việt Nam chưa đầu tư cho văn hóa một cách tương xứng. Hay nói cách khác, 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa đồng bộ và hiệu quả. Mục tiêu 2010 đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% ngân sách, nhưng đến năm 2019, Chính phủ báo cáo mới chỉ được 1,71%. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1,12% ngân sách là chưa tương xứng với mục tiêu chấn hưng văn hóa”, ông Sơn nêu ý kiến. Nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa thể hiện ở 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực thì cả 3 yếu tố này đều chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

“Việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng các ngành này đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta phải quan niệm các sản phẩm văn hóa là hàng hóa, đáp ứng các quy luật thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp bối cảnh xã hội. Muốn vậy, công tác thống kê phải đánh giá đúng thực trạng sự phát triển của văn hóa”, ông Sơn nói.

Còn rất nhiều thành tựu của ngành văn hóa nước nhà không được thống kê, chẳng hạn như chỉ số phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Tương tự, ngành sáng tạo phần mềm và game được xác định là ngành công nghiệp không khói tỷ đô với giá trị thặng dư siêu ngạch, song thống kê về sự hình thành và phát triển của lĩnh vực này hoàn toàn không có.

Nêu ý kiến để xây dựng “nền móng” cho công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, TS Đặng Thiếu Ngân cho rằng: “Việt Nam cũng có rất nhiều chất liệu, tiềm năng con người để khai thác. Nhưng để đặt được nền móng “công nghiệp”, chúng ta cần phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp thành một hệ thống giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật, phát hành, phân phối và quảng bá các sản phẩm, cũng như những chính sách hỗ trợ của Nhà nước (thuế, kết nối nước ngoài, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn...) dành cho những đơn vị này hay những luật định cụ thể và rõ ràng để những người làm nghề có cái nhìn rõ ràng, cụ thể hơn khi vận hành.

Ngoài ra, muốn có thành công để xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, còn cần sự chung tay, ủng hộ quyết liệt từ chính khán giả trong nước. Điều này, những năm gần đây đang có chuyển biến tích cực. Khán giả Việt Nam chắc chắn về mọi mặt chẳng thua kém gì khán giả Hàn Quốc. Bằng chứng là, ngành công nghiệp văn hóa - giải trí của Hàn Quốc đã đánh giá fan Việt là một trong những cộng đồng - thị trường tiềm năng, để dẫn đến sự kiện lần này, BLACKPINK tới Hà Nội”.

Không phải tự nhiên mà có

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho con người, không có chuyện cứ đầu tư cho văn hóa là chỉ “tiêu tiền”. Tại các nước phát triển, thường có một nền công nghiệp văn hóa, giải trí phát triển cao, với doanh thu rất lớn, đóng góp của văn hóa cho nền kinh tế không hề nhỏ.

Lấy ví dụ về thị trường ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Theo báo cáo của UNESCO, trước đại dịch COVID-19, các ngành công nghiệp này là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Ngoài ra, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo giải quyết rất nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội.

Tại Anh, ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% giá trị nền kinh tế Anh - nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hóa, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại. Tại Mỹ, theo thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ năm 2020, hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% tổng sản phẩm GDP của nước này, tương đương 876,7 tỷ USD, tạo ra 4,5 triệu việc làm. Tại Hàn Quốc, năm 2022 có thể xem là một năm đại thành công của ngành công nghiệp K-Pop, đặc biệt là với sự bùng nổ của các nhóm nhạc nữ. Chỉ tính riêng các công ty SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment, Hybe, (thường được gọi là “Big 4” trong ngành giải trí Hàn Quốc) đã chiếm hơn 60% thị phần đĩa nhạc vào năm 2021. Năm 2020, tổng doanh thu của “Big 4” đạt 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Nhờ công nghiệp giải trí, văn hóa Hàn Quốc đã lan tỏa trên toàn cầu.

Trong khi đó, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đó chỉ mới là mức phấn đấu.

Việt Nam cũng đang tìm đường đưa văn hóa Việt tiếp cận thế giới khi V-Pop đang khởi đầu khiêm tốn, bắt đầu vươn ra thị trường Đông Nam Á, châu Á, đặc biệt sau thành công của Sơn Tùng hay Erik, Min, gần đây là Hoàng Thùy Linh với “See tình”...

Xã hội hóa đầu tư ngành công nghiệp giải trí cũng là vấn đề cần quan tâm để không chỉ có doanh thu lớn mà còn góp phần lan tỏa văn hóa Việt, nghệ thuật Việt. Bộ phim “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành là một ví dụ cụ thể về hiệu quả của công tác xã hội hóa trên lĩnh vực điện ảnh. Với doanh thu hơn 500 tỷ đồng (chưa tính chiếu ở nhiều nước khác), phim cho thấy sức mạnh của công tác xã hội hóa ngành giải trí ở nước ta có tiềm năng lớn, đang cần những đòn bẩy về nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, để phát triển.

Đó là chỉ lấy ví dụ về một mảng của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Còn nhiều lĩnh vực khác như bảo tàng, di sản văn hóa..., tất cả đều có thể làm ra tiền. Có thể nói, đầu tư cho văn hóa cũng là bắt “con gà đẻ trứng vàng”. Làm ra tiền của ngành công nghiệp văn hóa không chỉ là đóng góp cho ngân sách mà quan trọng nhất là lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt ra toàn cầu, có thêm nguồn lực để đầu tư cho ngành văn hóa giải trí.

Với hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia văn hiến, có truyền thống văn hóa lâu đời. Chính văn hóa đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Vì vậy, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Do vậy, đầu tư cho văn hóa cần những thể chế, chính sách mới mẻ, định hướng thực tế, để kiến tạo cho mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, phát huy, khai thác các nguồn lực. Từ đó góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện (nhất là thế hệ trẻ); chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-day-su-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam-bao-gio-tiem-nang-thanh-hien-thuc-post258885.html