Thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, 70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản Việt Nam vào sâu thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng là lợi thế để chúng ta xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (Ảnh: M.L)

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian vừa qua và đặc biệt là sau thời gian dịch COVID-19?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Triển vọng thương mại Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở nền thỏa thuận giữa hai nước. Đây là thị trường thương mại nông sản rất tốt để hai nước có thể thúc đẩy thương mại trong thời gian tới.

Trung Quốc là thị trường rất lớn. Sau đại dịch COVID-19, dấu hiệu kinh tế phục hồi của thị trường này cũng rất rõ nét. Qua các buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc, phía bạn cho biết, đều xem thị trường Việt Nam là đối tác quan trọng của hai tỉnh.

Đặc biệt, với nông sản, việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước là bổ trợ cho nhau nhiều hơn. Tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản, nhất là tại Vân Nam, rau củ quả là vùng ôn đới, còn Việt Nam là vùng nhiệt đới. Tất nhiên, cũng có những nông sản trùng nhau, tuy nhiên, sản lượng chưa đủ để đáp ứng thị trường.

Bởi thực tế có sự phân khúc và phân cấp thị trường trong nhiều loại mặt hàng. Có một số trái cây của Việt Nam trùng với Quảng Tây, tuy nhiên, việc này cũng không đáng lo ngại do thể hiện lợi thế so sánh của 2 nước và nhu cầu của thị trường. Đây là một thuận lợi rất lớn.

Thị trường Trung Quốc có tuyến biên giới thuận lợi cho chúng ta trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. 70% các sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản Việt Nam vào sâu thị trường Trung Quốc. Đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.

Qua làm việc với các tỉnh của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, phía bạn cũng khẳng định, luôn luôn xác định Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng.

Phía bạn cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT là sau đại dịch cần kết nối chuỗi cung ứng nông sản. Phía bạn đồng ý việc tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại thường xuyên và luân phiên giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam. Đồng thời, đồng ý với đề xuất của phía Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây và Vân Nam để tạo sân chơi cho doanh nghiệp hai nước, từ đó, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Bởi hiện nay, vấn đề hạn chế nhất đó là xây dựng chuỗi cung ứng nông sản lạnh để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu ra thế giới.

Bên cạnh đó, qua làm việc Cục Hải quan Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) và Cục Hải quan Côn Minh (Vân Nam), phía bạn và chúng ta cũng đã thống nhất được nhiều vấn đề. Trong đó, phía bạn sẽ xem xét, tạo điều kiện thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.

Hiện nay, nhu cầu của hai nước rất lớn, nhưng hạ tầng biên giới, phía bạn đánh giá là quá tải. Do đó, bên cạnh việc tạo điều kiện thông thương hàng hóa, chính quyền hai bên cũng cần phải quan tâm đến đầu tư hạ tầng để đáp ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ nữa, hiện nay, ngay nhu cầu của tỉnh Vân Nam rất cần các sản phẩm thủy sản, phía bạn cho biết, sắp tới sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, loài thủy sản sống sang Vân Nam. Đây là điểm rất đáng quý và chúng tôi cũng sẽ có những đề xuất với Hải quan Trung Quốc.

Thêm nữa, phía bạn cũng đồng ý với việc để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ ở các cửa khẩu, thống nhất sẽ giao cho các đơn vị chức năng làm đầu mối.

Về phía Bộ NN&PTNT sẽ giao cho một số Cục chuyên ngành làm đầu mối để thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng các cửa khẩu Trung Quốc, nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề ách tắc khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Phía bạn cũng đồng ý sẽ thành lập các đơn vị đầu mối để liên lạc thường xuyên.

Giữa các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ phối hợp với Hải quan Nam Ninh và Hải quan Côn Minh hàng năm vào khoảng tháng 11 sẽ có hội nghị sơ kết về công tác chuyên môn nhằm đánh giá công tác nghiệp vụ chuyên môn trong năm, cũng như đưa ra những định hướng cho các năm tiếp theo.

PV: Về đề xuất mở thêm cửa khẩu nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương nông sản hàng hóa giữa hai nước, xinThứ trưởng cho biết về kết quả của công tác này?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Đề xuất này phía bạn đồng ý, tuy nhiên, họ cũng yêu cầu chúng ta phải nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, đảm bảo đúng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Phía bạn cũng đề xuất Việt Nam nên nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh để sử dụng công nghệ số kiểm soát cửa khẩu. Về phía Bộ NN&PTNT cũng đồng ý hướng tới hải quan 1 cửa ở biên giới.

Chúng tôi cũng đề nghị phía bạn sớm gửi đề án để Bộ NN&PTNT có thể làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao,… để có thể thống nhất và trả lời với bạn.

Ý tưởng phía bạn đưa ra rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Để giải quyết các ách tắc thì cần làm sao đẩy nhanh vấn đề 1 cửa, ứng dụng công nghệ thông minh trong xuất nhập khẩu.

PV: Để tháo gỡ những khó khăn mà chúng ta đang vướng phải trong quá trình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, theo Thứ trưởng, nông sản Việt Nam cần phải khắc phục điều gì để có thể thông thương nhanh nhất?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Chuyến đi làm việc với một số tỉnh của phía bạn vừa rồi, chúng tôi có 2 diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản ở Quảng Tây và Vân Nam. Có khoảng trên 100 doanh nghiệp phía bạn, 20 doanh nghiệp Việt Nam trao đổi các vấn đề để hợp tác.

Chúng tôi thấy hợp tác thương mại doanh nghiệp hai nước thiếu tính bền vững, chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn, đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Do đó, ở đây không chỉ là việc xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói mà còn là vấn đề logistics giữa hai nước để đảm bảo vận chuyển hàng hóa tốt.

Chúng tôi đi tham quan thực tế mô hình cửa khẩu thông minh, xe đến cách cửa khẩu 70 km là phía bạn đã bắt đầu đăng ký thủ tục xuất khẩu. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp cũng nên kết hợp đăng ký với cơ quan chức năng tại cửa khẩu xem đúng thời hạn nào lên. Việc này sẽ giải quyết vấn đề ách tắc, đảm bảo truy xuất mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu. Việc này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, có mã số vùng trồng, kết nối với cơ quan chức năng để có sự thống nhất.

Thứ hai, cần phải phối hợp với các doanh nghiệp để thành lập các Hiệp hội và xây dựng các chuỗi kết nối nông sản giữa hai nước. Trên cơ sở chuỗi cung ứng nông sản, cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, vướng vấn đề gì sẽ gỡ vấn đề đó.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

B.T (ghi)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-quan-he-hop-tac-thuong-mai-nong-san-viet-nam-trung-quoc-640232.html