Thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng

BHG - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, phát triển kinh tế biên mậu luôn được tỉnh quan tâm đầu tư qua từng năm, từng giai đoạn. Các cấp, ngành của tỉnh nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính và chủ động ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở của tỉnh. Đặc biệt, công tác phát triển kinh tế biên mậu gắn với chương trình ổn định dân cư biên giới được triển khai ở các huyện biên giới của tỉnh như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Vị Xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Khôi phục thông quan lối mở biên giới Phố Bảng - Đồng Văn (Việt Nam) và Đổng Cán – Trung Quốc giúp người dân thuận tiện thăm thân, trao đổi hàng hóa.

Đồng Văn là huyện biên giới của tỉnh, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh. Nhờ thực hiện có hiệu quả việc quy tụ dân cư gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đến nay, cuộc sống người dân dần đi vào ổn định, tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà con dân tộc thiểu số yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo.

Trên địa bàn huyện Đồng Văn có 9 xã, thị trấn. Hiện có 6 chợ biên giới đang hoạt động là: Chợ trung tâm huyện Đồng Văn; chợ trung tâm các xã Lũng Cú, Má Lé, Sà Phìn, Phố Cáo và thị trấn Phố Bảng.

Để kinh tế biên mậu có những bước phát triển tích cực, huyện đã chủ động kêu gọi đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ, trước hết là các chợ cửa khẩu, chợ các xã biên giới. Đến nay, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vùng biên giới, cửa khẩu cơ bản được đầu tư theo quy hoạch và được đầu tư phát triển, nâng cấp, mở rộng. Những cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới. Đồng thời huyện cũng đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, tập trung đầu tư phát triển kinh tế biên mậu gắn với chương trình ổn định dân cư biên giới. Thông qua đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế hộ của bà con dân tộc thiểu số địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Song song với đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu. Duy trì, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực với các huyện giáp biên giới như huyện MalyPho, Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Đặc biệt, vừa qua, tại Mốc 393, thôn Tả Kha, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn đã chính thức khôi phục thông quan lối mở biên giới Phố Bảng - Việt Nam và Đổng Cán – Trung Quốc. Đây là lối mở cho cư dân biên giới hai bên giao lưu thăm thân và trao đổi hàng hóa rất quan trọng đối với huyện Đồng Văn. Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Vân Nam đã tạm dừng thông quan tại lối mở này. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã ổn định, tỉnh Vân Nam quyết định khôi phục thông quan, đây sẽ là cơ hội để nhân dân hai bên thăm thân và giao thương phát triển kinh tế. Huyện cũng tích cực tuyên truyền nội dung khôi phục hoạt động qua lại của cư dân biên giới hai bên tại lối mở Phố Bảng – Việt Nam cho nhân dân biết và tuân thủ quy định xuất, nhập cảnh, các quy định chính sách cư dân biên giới và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Từ hoạt động hợp tác kinh tế biên mậu đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, láng giềng truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao dân trí và củng cố an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới. Có thể thấy rõ, hoạt động kinh tế biên mậu phát triển đã làm phong phú, sống động hoạt động thương mại trên địa bàn. Đồng thời còn tạo điều kiện khai thác và phát huy được thế mạnh và tiềm năng của huyện, kết hợp nội lực với ngoại lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới.

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202309/thuc-day-phat-trien-kinh-te-bien-mau-gan-voi-dam-bao-an-ninh-quoc-phong-4964394/