Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics

BHG - Là tỉnh biên giới cực Bắc Tổ quốc, có Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) – Thiên Bảo (Trung Quốc) và Cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) cùng nhiều lối mở trên tuyến biên giới. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế biên mậu của tỉnh chưa đạt kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu (XNK), tỉnh ta đang nỗ lực tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.

Tỉnh lộ 176 được đầu tư nâng cấp, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy giao thương.

Hà Giang là địa phương duy nhất của cả nước có đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài trên 277 km. Tỉnh có 2 cặp cửa khẩu (quốc tế và song phương), 3 lối mở và nhiều chợ biên giới. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, tỉnh chỉ có 77 doanh nghiệp, tư thương tham gia hoạt động XNK; tổng trị giá kim ngạch XNK hàng hóa đạt 64 triệu USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước 89,94 tỷ đồng. Đây là những con số rất khiêm tốn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội thương mại XNK Hà Giang chia sẻ: Thương mại biên giới của tỉnh rất tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên hạ tầng giao thông và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, các lối mở trên địa bàn tỉnh kém hơn so với các tỉnh lân cận, chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư và tham gia XNK hàng hóa.

Từ những nguyên nhân trên và thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg, ngày 22.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200, ngày 14.2.2017) về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND, ngày 12.8.2019 về cải thiện chỉ số hiệu quả Logistics trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 21.7.2021 về việc phát triển thương mại biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh. Trong đó tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa XNK, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, tạo nền tảng số phát triển logistics.

Cơ sở hạ tầng phục vụ XNK, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logictis được tỉnh đặc biệt quan tâm, tích cực đề xuất T.Ư đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn triển khai như: Khởi công đầu tư dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đưa vào Quy hoạch sân bay lưỡng dụng; cải tạo nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần (ĐT 177) giai đoạn 1 và sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là các tuyến giao thông kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy, Xín Mần và lối mở ở huyện Mèo Vạc. Thúc đẩy mở cửa khẩu song phương Săm Pun (Việt Nam) - Điền Bồng (Trung Quốc); xây dựng hạ tầng lối mở Lũng Làn (Việt Nam) - Lộng Bình (Trung Quốc). Đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư công trình giao thông qua biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo...

Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2020 đến nay tỉnh đã lồng ghép, bố trí tổng các nguồn vốn cho hạ tầng giao thông, khu kinh tế cửa khẩu và lối mở trên địa bàn gần 10.000 tỷ đồng. Xúc tiến kêu gọi thu hút 41 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 2.860 tỷ đồng. Chính thức thông xe 2 tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế Việt – Trung, gồm: Hà Giang - Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Cửa khẩu Đô Long (Trung Quốc) - châu Văn Sơn và ngược lại; Hà Giang - Cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) - Cửa khẩu Thiên Bảo (Trung Quốc) - châu Văn Sơn và ngược lại…

Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logictis của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khi hệ thống giao thông các tuyến đường đến các cặp cửa khẩu chưa đạt yêu cầu, làm giảm sự kết nối trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics còn hạn chế, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics; quy mô của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhỏ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị vận chuyển và các đơn vị làm dịch vụ logistics. Dự án Tổ hợp thương mại tổng hợp logistics khu bờ Đông sông Lô chậm tiến độ…

Theo lãnh đạo Sở Công thương, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, thời gian tới tỉnh ta sẽ tập trung giải quyết các thủ tục hành chính đối với hàng hóa XNK và phương tiện xuất, nhập cảnh đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi; thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào hạ tầng logistic; tận dụng nguồn lực, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp những tuyến đường nối đến các cặp cửa khẩu; kiến nghị các bộ, ngành T.Ư thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và sự kiện liên quan đến Logistics với các cơ quan đồng cấp phía Trung Quốc, nâng cao năng lực XNK hàng hóa, hỗ trợ hoạt động logistics cho các doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ logistics cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202310/thuc-day-phat-trien-dich-vu-logistics-010215b/