Thúc đẩy ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine

Trong bối cảnh cuộc đàm phán trực tiếp mới đây giữa Moscow và Kiev tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đạt được tiến triển, cộng đồng quốc tế tiếp tục kiên trì nỗ lực ngoại giao nhằm nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong bối cảnh cuộc đàm phán trực tiếp mới đây giữa Moscow và Kiev tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đạt được tiến triển, cộng đồng quốc tế tiếp tục kiên trì nỗ lực ngoại giao nhằm nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong bối cảnh cuộc đàm phán trực tiếp mới đây giữa Moscow và Kiev tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đạt được tiến triển, cộng đồng quốc tế tiếp tục kiên trì nỗ lực ngoại giao nhằm nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo TASS, ngày 30-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, trong cuộc điện đàm với Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất Thụy Sĩ tham gia các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine càng sớm càng tốt. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình quốc tế vốn đã khó khăn. "Chúng tôi hy vọng rằng Thụy Sĩ sẽ đóng một vai trò đặc biệt và chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc thảo luận, phối hợp các vấn đề với phía Thụy Sĩ", ông Vương Nghị nói thêm. Ngoại trưởng Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev.

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng và cung cấp hỗ trợ để bình thường hóa tình hình ở Ukraine. Ông Uông Văn Bân cho biết: "Chúng tôi có ý định hợp tác với từng bên quan tâm để cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc trong tương lai gần". Bình luận về đàm phán Nga-Ukraine mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Uông Văn Bân lưu ý rằng hai bên đã đưa ra những tín hiệu tích cực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh luôn tin rằng đối thoại và đàm phán là cách đúng đắn duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Uông Văn Bân cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ những nỗ lực của Nga và Ukraine để vượt qua khủng hoảng.

Trước đó, ngày 29-3, ngay sau khi đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev tại Istanbul kết thúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga đã thông báo ngắn gọn cho ông Macron về các biện pháp hỗ trợ nhân đạo trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sơ tán dân thường, bao gồm cả hoạt động sơ tán ở thành phố Mariupol. Bình luận về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga, Đại diện thường trực của Pháp tại Liên hợp quốc (LHQ) Nicolas de Rivìere cho biết, Paris sẽ tiếp tục trao đổi với Nga để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong khi giữ liên lạc thường xuyên với nhà lãnh đạo Nga, ông Macron cũng liên tục trao đổi với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo giới quan sát, Tổng thống Pháp là một trong những người năng nổ nhất tham gia vào nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm xoa dịu căng thẳng Nga-Ukraine.

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul được đánh giá là đạt tiến triển tích cực. Nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia cho rằng những tiến bộ đạt được trong đàm phán có thể dẫn tới một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Sau cuộc đàm phán này, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng Moscow đang thực hiện hai bước tiến lớn để giảm leo thang xung đột với Kiev. Bước đầu tiên là giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv của Ukraine. Tuy nhiên, ông Medinsky nêu rõ việc giảm leo thang quân sự không có nghĩa là ngừng bắn. "Đây không phải là một lệnh ngừng bắn, nhưng đây là mong muốn của chúng tôi để dần dần đi đến việc giảm leo thang xung đột ít nhất là theo những hướng này", ông Medinsky nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RT. Theo ông Medinsky, bước thứ hai hướng tới hòa bình mà Nga thực hiện có liên quan đến khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Ukraine vào thời điểm ký kết hiệp ước giữa hai nước.

Tại cuộc điện đàm hôm 29-3, các nhà lãnh đạo: Đức, Mỹ, Pháp, Anh và Italy nhất trí nỗ lực thúc đẩy Nga đi tới ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã cam kết hỗ trợ tích cực hơn nữa cho Kiev, cũng như hối thúc Nga đồng ý ngừng bắn tại Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, Trợ lý Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Joyce Msuya thông báo, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ Martin Griffiths sẽ tới Đông Âu trong những ngày tới để tiến hành các cuộc tiếp xúc với Ukraine và Nga nhằm thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo. "Tổng thư ký đã chỉ thị cho ông Griffiths khẩn trương liên lạc với các bên về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine", bà Msuya cho biết.

Nguồn: LÂM ANH (qđnd.vn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-day-ngoai-giao-nham-giai-quyet-cuoc-khung-hoang/d20220331180748265.htm