Thúc đẩy du lịch Thủ đô qua kiến tạo không gian công cộng

Hình ảnh người dân tham quan, chụp ảnh tại phố bích họa Phùng Hưng, khu tập thể Phụ nữ Trung ương hay con đường Hủng, Đan Phượng... là những ví dụ sinh động về các không gian công cộng của Thủ đô. Những không gian này quay trở lại phục vụ người dân, trở thành nơi hấp dẫn cộng đồng với nhiều hoạt động tương tác đa dạng và phong phú, qua đó, thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển bền vững.

Hiện nay, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi và hiện đại hơn nhưng không gian công cộng của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như bãi đỗ xe, các hoạt động mưu sinh hoặc việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Đây là tình trạng diễn ra phổ biến ở nhiều đô thị khác của Việt Nam khi xu hướng tư nhân hóa không gian công cộng diễn ra ngày càng phổ biến trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay. Hình ảnh các công viên vui chơi trở thành nơi bán hàng trà nước, vỉa hè trở thành bãi đỗ xe, lòng đường là nơi họp chợ… không còn xa lạ với người dân Thủ đô.

Phố bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân tới tham quan, chụp ảnh.

Phố bích họa Phùng Hưng thu hút đông đảo người dân tới tham quan, chụp ảnh.

Điều đáng mừng là hiện nay có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng. Những sáng kiến thường xuất phát từ các kiến trúc sư, những chuyên gia đô thị cùng sự chung tay của chính cộng đồng dân cư của Hà Nội.

Tại khu tập thể Phụ nữ Trung ương, Pháo Đài Láng, người dân ngỡ ngàng khi những bức tường cũ kỹ được khoác lên mình những chiếc áo mới. Đây là một trong số rất ít khu tập thể cũ mà vẫn giữ được khoảng không gian chung ở giữa của Hà Nội.

Không chỉ vậy, nó còn có không gian xanh xung quanh khá đẹp. Đây là thành quả của dự án cộng đồng mang tên Arts build communities (Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng, gọi tắt là ABC) do các bạn họa sĩ trẻ của Công ty thiết kế kiến họa thành phố Hồ Chí Minh cùng người dẫn nỗ lực thực hiện.

Trước khu tập thể Phụ nữ Trung ương, rất nhiều không gian công cộng của Hà Nội cũng được tô điểm bởi tranh bích họa. Bất chợt đi lạc vào con ngõ nhỏ Ao Dài (tổ dân phố số 2, Phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm), nhiều người hẳn sẽ có cảm giác ngỡ ngàng, như thấy cả một khoảng ký ức tuổi thơ hiện về.

Con ngõ dài 400m với hàng chục bức tranh lớn nhỏ khác nhau với nội dung mang hướng tuyên truyền về môi trường, trẻ em, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội. Những bức tường rêu phong, cũ kỹ được khoác lên một diện mạo độc đáo, rực rỡ khiến cho bất kì ai có dịp ghé qua cũng phải ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Hay con đường Hủng vào làng Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cũng đang được khoác lên mình "chiếc áo mới" nhờ ý tưởng sáng tạo "đường có hoa, nhà có số" của Đảng ủy xã Đan Phượng. Các con đường ở thôn Đông Khê đều được đặt bồn hoa ở vỉa hè. Duy có đoạn đường Hủng không có vỉa hè, tường quá xấu và rêu mốc trong khi đó lại là trục đường chính của thôn.

Đường chật không thể trồng hoa được nên thôn đã sáng tạo vẽ hoa lên tường. Không chỉ có con đường bích họa, Đoàn Thanh niên xã còn đang tích cực triển khai hạng mục đường hoa. Theo đó, trên các tuyến đường làng, ngõ xóm sẽ được bố trí sắp đặt những chậu hoa, bồn cây cảnh để tạo không gian, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đến nay, ít nhất 2 tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã đã được trang trí bằng những chậu hoa, những bồn hoa cây cảnh bắt mắt.

Ngoài ra, có thể kể đến dự án bích họa phố Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện đã được khai trương năm ngoái. Những tác phẩm nghệ thuật được vẽ lên 19 vòm cầu đường sắt đã đã giúp không gian sống nơi đây thay đổi diện mạo, tạo thành phố đi bộ liên thông với không gian chợ Đồng Xuân và kết nối vùng phụ cận. Từ đó, mở ra một không gian đi bộ thú vị - kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng...

Có thể nói, việc chỉnh trang làm đẹp diện mạo không gian công cộng nơi đô thị Hà Nội đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Cảm hứng từ việc làm thay đổi không gian sống ở Thủ đô đã nhanh chóng lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp trẻ, thúc đẩy những sáng kiến trong việc bảo vệ di sản và sử dụng không gian công cộng.

Những dự án này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng về phát huy văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan lịch sử và thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch. Việc cải tạo, chỉnh trang, đưa nghệ thuật vào những khu tập thể, khu dân cư, những con phố ở Hà Nội giúp không gian chung tại nơi mình sống trở nên đẹp hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, giữ chân khách du lịch. Đây cũng là hướng đi đúng đắn cho du lịch Thủ đô phát triển bền vững.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thuc-day-du-lich-thu-do-qua-kien-tao-khong-gian-cong-cong-101582.html