'Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới'

Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 (lần thứ 16) với chủ đề: 'Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới' diễn ra ngày 11/1 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết: Đây là dịp để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia 'hiến kế' những cơ chế, chính sách và các động lực tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn sáng 11/1.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn sáng 11/1.

Nhiều hệ lụy đa chiều đối với kinh tế toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gợi mở một số xu hướng đáng chú ý nổi lên về kinh tế toàn cầu năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gợi mở một số xu hướng đáng chú ý nổi lên về kinh tế toàn cầu năm 2024.

Diễn đàn tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề như: Làm rõ kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới (KTTG) năm 2024; dự báo “điểm đáy của suy giảm toàn cầu”, thời điểm “đảo chiều” chính sách tiền tệ, lãi suất của các nền kinh tế lớn; đánh giá tác động đối với kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xác định các điểm thuận và không thuận, các cơ hội gì cần được tranh thủ để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực như điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng…

Đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, các dự án cụ thể, các biện pháp thực tiễn từ phía doanh nghiệp để tận dụng tốt và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng nguồn nhân lực...

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý: KTTG vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.

Theo Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/1, dự báo tăng trưởng KTTG năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4% (là năm giảm thứ 3 liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước), tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch.

Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà ngoại giao xuất sắc và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tham dự Diễn đàn sáng 11/1.

Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà ngoại giao xuất sắc và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tham dự Diễn đàn sáng 11/1.

“Câu hỏi đặt ra là liệu KTTG năm 2024 đã đến “điểm đáy suy giảm”? Đã có đánh giá cho rằng thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử các-bon (Nhận định của Giám đốc bộ phận vĩ mô, Ngân hàng Goldman Sachs).

WB nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms). Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, dẫn tới nhiều hệ lụy đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc.

Hội nghị Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024) sẽ diễn ra vài ngày tới đây cũng đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin”, cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương.

Ngoài ra, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ, gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 với 3 kịch bản.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 với 3 kịch bản.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 với 3 kịch bản:

Với kịch bản cơ sở, tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống (như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp – TFP và liên kết vùng), dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6 - 6,5%.

Theo hướng cầu, tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính khoảng 5-10%, trong đó xuất khẩu tăng 5 - 7%, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 8-10%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5-8%. Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế duy trì ít nhất tương đương hoặc cao hơn năm 2023, trong đó nông - lâm - thủy sản tăng 3,2 - 3,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,2 - 5,5% và khu vực dịch vụ tăng 7 - 7,2%.

Với kịch bản tích cực, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,5 - 1 điểm % so với kịch bản cơ sở (đạt 6,5 - 7%).

“Với kịch bản tiêu cực, nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5 - 5,5%”, TS Cấn Văn Lực dự báo.

Trước vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.

“Khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như: Phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân; quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng – chiếm 32% GDP cả nước năm 2023) qua đó thúc đẩy liên kết vùng…”, TS Cấn Văn Lực kiến nghị.

Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2024, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm:

Một là, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.

Hai là, ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-day-co-che-chinh-sach-thuc-thi-manh-me-cac-dong-luc-tang-truong-moi-20240111101055885.htm