Thúc đẩy bình đẳng giới từ mô hình 'Thủ lĩnh của sự thay đổi'

Câu lạc bộ (CLB) 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mô hình được thành lập với mục đích xóa bỏ định kiến về giới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình, kịp thời nắm bắt các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở các trường học, đặc biệt là phụ nữ dân tộc ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sinh hoạt ngoại khóa của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Tân Minh, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn.

Tạo dựng hạt nhân tiên phong

Năm học 2023-2024, Trường THCS Tân Minh, xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn có 362 học sinh, trong đó trên 98,5% các em là người DTTS. Tháng 12/2023, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường được thành lập với 22 thành viên gồm lớp trưởng, liên đội trưởng và các em học sinh từ khối 6 đến khối 9. 100% các thành viên tham gia CLB đều là nữ và là người DTTS.

Thầy giáo Nguyễn Trung Kiên- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi thành lập mô hình, lãnh đạo nhà trường phổ biến mục đích, ý nghĩa của CLB và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều học sinh. Thành viên CLB có vai trò là hạt nhân tuyên truyền, phổ biến thông tin, kêu gọi sự tham gia của học sinh, phụ huynh vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em trong gia đình, trường học và cộng đồng.

Các thành viên CLB được trang bị những kiến thức như: Quyền trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng... Mỗi tháng, CLB của nhà trường sinh hoạt 1 lần, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập trung đầu tuần, lồng ghép trong các tiết học Giáo dục công dân...

Thầy Dương Đức Thắng - Tổng phụ trách đội, dẫn trình viên của CLB chia sẻ: “Mỗi buổi sinh hoạt của CLB, tôi luôn gợi mở cho các em những nội dung, chủ đề sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi, cùng các thành viên chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu, sôi nổi thảo luận, chia sẻ kỹ năng sống, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, sức khỏe sinh sản; kỹ năng tuyên truyền, đối thoại với cha mẹ, thầy cô, các cấp chính quyền về thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em”.

Sau mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên đã tự tin, mạnh dạn hơn, phát huy được vai trò nòng cốt trong tuyên truyền đến các bạn học sinh khác, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học, lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, tảo hôn... Bên cạnh đó, các thành viên CLB còn kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng, giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong và ngoài lớp theo khả năng của mình.

Một trong những mục tiêu mong muốn đạt được của Dự án 8 vào năm 2025, trên địa bàn tỉnh do Hội LHPN tỉnh triển khai là thành lập, xây dựng năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động được 37 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện mục tiêu bảo đảm tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế - xã hội.

CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình thiết thực và phù hợp với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Thông qua mô hình, các em được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân; được nói lên tiếng nói của mình, được bình đẳng giới giữa trẻ em trai, trẻ em gái trong gia đình, nhà trường, được cộng đồng bảo vệ. Mặt khác, các em sẽ là những hạt nhân tiên phong, tích cực trong tuyên truyền, phổ biến thông tin, kêu gọi sự tham gia của các bạn khác, của cha mẹ học sinh vào các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, từ đó thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để có cuộc sống tốt đẹp, phát triển hơn.

Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Kiệt Sơn, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn tham gia hoạt động trong lễ ra mắt CLB.

Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Kiệt Sơn, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn tham gia hoạt động trong lễ ra mắt CLB.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Theo đồng chí Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, với các đặc điểm khác nhau và chịu tác động từ nhiều yếu tố về môi trường sống, phong tục tập quán, quan niệm cộng đồng xã hội, phụ nữ, trẻ em gái người DTTS là đối tượng dễ bị tổn thương, có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng kép về dân tộc và giới tính nên phải đặc biệt chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp tích cực khác.

Việc triển khai mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ tạo ra cách làm mới ở nhà trường và cộng đồng trong lĩnh vực bình đẳng giới, đó là sự tiếp cận tổng thể, lấy trẻ em làm trung tâm, phát huy năng lực của trẻ em và giáo viên, cán bộ, cộng đồng trong công tác bình đẳng giới.

Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em là hết sức quan trọng, tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để các mô hình hoạt động hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, các cấp Hội Phụ nữ cần tăng cường công tác phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS trên địa bàn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, cách thức tổ chức vận hành và duy trì hoạt động của CLB; tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ đoàn thể, nhất là giáo viên là dẫn trình viên của trường học, cán bộ Hội Phụ nữ là dẫn trình viên ở cộng đồng cần được trang bị, nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới và phòng chống, ứng phó với bạo lực giới trong trường học, ngoài cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo hàng năm.

Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngoài việc điều chỉnh cơ chế, chính sách còn cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em; đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị...

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-tu-mo-hinh-thu-linh-cua-su-thay-doi-212185.htm