Thưa vắng tác phẩm mỹ thuật về lực lượng vũ trang

Tại lễ phát động sáng tác mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2016 - 2019 vừa qua...

Tại lễ phát động sáng tác mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2016 - 2019 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, chúng ta đang thưa vắng tranh, tượng về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Từ đó, câu hỏi được đặt ra: Chúng ta cần làm gì để có nhiều tác phẩm ở đề tài này thật sự giá trị, góp phần vào sự phát triển chung nền mỹ thuật nước nhà?

Khó khăn hiển hiện

Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng là một đề tài lịch sử trọng đại, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi một thời đại lịch sử, mỗi một thế hệ tác giả, thậm chí mỗi một tác giả đều có một quan niệm và cách tiếp cận nội dung đề tài và một cách xử lý nghệ thuật riêng. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đề tài này đối với các nghệ sĩ tạo hình ở nước ta vẫn không bao giờ cũ và luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng cũng bị thu hẹp vì nhiều vấn đề mới của xã hội, đời sống đương thời nảy sinh. Không khó để nhận ra tại các cuộc triển lãm mỹ thuật ở nước ta luôn có nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự phát triển từng ngày của xã hội nhưng lại rất ít tranh, tượng về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.

Tranh sơn dầu Khúc hát quê hương của tác giả Nguyễn Phú Hậu.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng cho biết, một yếu tố quan trọng là “đầu ra” cho các tác phẩm mỹ thuật nói chung và đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh nhân dân rất khó khăn, mặc dù các tác giả đã dày công sáng tạo và đầu tư cho từng tác phẩm. Cùng quan điểm này, Thượng tá - họa sĩ Trịnh Bá Quát từng cho rằng, nhiều năm qua, việc đánh giá, mua các tác phẩm tiêu biểu chưa được các cấp, ngành trong và ngoài quân đội quan tâm đúng mức. Khi kết thúc các cuộc vận động, triển lãm mỹ thuật 5 năm đầy công phu nhưng các bảo tàng đều đứng ngoài cuộc, chỉ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hàng năm có mua nhưng chưa tương xứng với giá trị tác phẩm. Vì vậy, không thể khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư thời gian công sức, kể cả tiền bạc cho tác phẩm có hình thức đẹp, nội dung sâu sắc.

Bên cạnh đó, họa sĩ Trịnh Bá Quát cũng chỉ ra thực tế, số tác giả trải qua 2 cuộc kháng chiến đã thưa vắng dần, điều kiện kinh tế của đa phần các tác giả còn nhiều khó khăn. Mặt khác, dễ dàng nhận thấy nghệ sĩ trẻ hiện nay lại thiếu “vốn”, không mấy mặn mà với đề tài này. Điều đó đã dẫn tới việc chúng ta thiếu vắng tác phẩm mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, không phát hiện được nhiều gương mặt trẻ và có triển vọng.

Khơi dậy sức lan tỏa bằng cách nào?

Một điều đáng mừng là những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và các đơn vị liên quan đã mở các đợt vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” trên toàn quốc, thu hút được đông đảo đội ngũ sáng tác hưởng ứng. Bảo tàng cũng đã phối hợp với Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở VH,TT & DL, các Chi hội Mỹ thuật trên cả nước, các trường học để tuyên truyền về nội dung của sự kiện này… Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác tạo điều kiện cho các tác giả có những chuyến đi thực tế, kể cả đi tới các đảo thuộc quần đảo, vùng biên cương của Tổ quốc để việc sáng tác đạt hiệu quả cao nhất. Sau các cuộc vận động, nhiều tác phẩm xuất sắc được tìm ra, các tác giả có sáng tạo xuất sắc về hội họa, điêu khắc, đồ họa... được vinh danh, trao giải. Sau đó, các tác phẩm được đem ra triển lãm, in thành sách cấp cho các đơn vị phục vụ cho công tác quảng bá các tác phẩm mỹ thuật đến với bộ đội trong toàn quân.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng cho biết, tại cuộc vận động sáng tác “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2016 - 2019, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các họa sĩ, nhà điêu khắc nhằm tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, có chất liệu thực tế để các tác giả đem về những tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, Thượng tá - họa sĩ Trịnh Bá Quát từng nêu ý kiến để các cuộc vận động sáng tác về đề tài này đạt hiệu quả, khắc phục những tồn tại thì còn nhiều việc phải làm. Theo đó, phải đầu tư chiều sâu cho tác giả hoặc nhóm tác giả, đầu tư cho tác phẩm để cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Về lâu dài, chúng ta phải có biện pháp tốt để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ bổ sung cho đội ngũ sáng tác mỹ thuật trong quân đội đang thiếu vắng hiện nay và tương lai. Bên cạnh đó, cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các trường học trên phạm vi cả nước triển khai để tổ chức thực hiện cuộc vận động sáng tác có hiệu quả vì theo họa sĩ Trịnh Bá Quát, “đó là sức mạnh tổng hợp góp phần quan trọng vào thành công của cuộc vận động, phát huy được thế mạnh về mỹ thuật của quân đội trong sự nghiệp phát triển nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam”.

Phạm Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thua-vang-tac-pham-my-thuat-ve-luc-luong-vu-trang-n123689.html