Thừa Thiên Huế thúc đẩy phổ cập chữ ký số

Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, việc sử dụng chữ ký số (CKS) trong các giao dịch điện tử đã được xác định là một giải pháp quan trọng. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà CKS mang lại là sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, không cần trực tiếp ký tay.

Là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai chương trình phổ cập CKS miễn phí cho toàn dân trong vòng 12 tháng với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, trong 3 tháng đầu tiên, các doanh nghiệp cung cấp CKS cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát CKS cho toàn dân. Giai đoạn 2 gồm 9 tháng, kể từ thời gian kết thúc giai đoạn 1, người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát và đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.

Với mục đích trang bị tài sản cho người dân, sẵn sàng tham gia, thụ hưởng các thông tin, dịch vụ trên không gian mạng, hơn một tháng nay, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang tiến hành triển khai chiến dịch cấp phát CKS công cộng cho người dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Thanh Nga (trú TP Huế), chủ doanh nghiệp nên thường xuyên đến Trung tâm Hành chính công TP Huế và các phường, xã để giao dịch các thủ tục hành chính nên mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.

Ảnh minh họa.

Tại TP Huế, chiến dịch cấp phát CKS được UBND TP Huế phát động và triển khai đồng bộ từ các dịch vụ, gồm: dịch vụ công trên Hue-S (nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế) tạo ra môi trường giao dịch số cho công dân thụ hưởng nhu cầu thiết yếu thay cho hoạt động truyền thống; tài khoản định danh điện tử (VNeID) là phương thức xác định danh tính khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Hue_S; cấp CKS cho toàn dân là công cụ giúp người dân ký số vào các thành phần hồ sơ theo hình thức trực tuyến trên Hue-S mà không cần đến trực tiếp các đơn vị cung cấp dịch vụ; ví điện tử Hue-S là phương thức giúp người dân có thể ngồi ở nhà thanh toán các loại phí, lệ phí dịch vụ công. Sau một thời gian ngắn triển khai, hiện, đã có hàng chục ngàn người dân đăng ký CKS. Hiện, UBND các phường, xã, thị trấn đang phối hợp với các đơn vị viễn thông đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát CKS cho người dân, sớm thực hiện mục tiêu đưa người dân lên không gian số theo chủ trương của TP Huế và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội và không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Việc đưa người dân sớm lên không gian số là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. “Muốn đưa người dân lên không gian mạng thì cần công dân số. Công dân số ngoài việc cần trang bị kỹ năng số thì cần có tài sản số. Trên không gian mạng, công dân số cần có tối thiểu 3 tài sản quan trọng đó là định danh điện tử (VNeID), tài khoản thanh toán số và CKS. 3 tài sản này sẽ là điều kiện đảm bảo hình thành công dân số, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các giao dịch của công dân trên môi trường số”, ông Hạnh chia sẻ thêm.

Việc triển khai chiến dịch cấp phát CKS cũng đang được các ban, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) tỉnh đã tập trung tham mưu, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mô hình, các nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó, đã triển khai và từng bước nhân rộng 22/26 mô hình Đề án 06.

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 năm 2023 của Công an tỉnh là trang bị các điều kiện để một công dân trở thành công dân số trong kỷ nguyên số, gồm 3 trụ cột là: tài khoản định danh điện tử, tài khoản thanh toán điện tử và CKS. Như vậy, chỉ với thiết bị thông minh, các tổ chức, cá nhân đã được cài đặt, tích hợp tài khoản định danh điện tử, tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến... có thể sử dụng CKS thực hiện các giao dịch, hợp đồng, xác nhận văn bản trên môi trường điện tử nhanh chóng, thuận lợi tại bất cứ đâu mà không cần gặp trực tiếp hay làm các thủ tục hành chính, không cần hiện diện ở cơ quan chức năng. CKS có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân, đảm bảo tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-thuc-day-pho-cap-chu-ky-so-i710054/