Thừa Thiên Huế, Phú Yên hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên đã nỗ lực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên triển khai vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Phú Yên cần sớm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Theo phóng viên Thanh Thắng/VOV - miền Trung, từ tháng 7, tỉnh Phú Yên triển khai các thủ tục để người dân đăng ký và xét duyệt đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cho đến nay, việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn ở tỉnh này vẫn còn chậm.

Ông Trần Văn Hòa (57 tuổi), trú thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa mong muốn sớm nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ cuối tháng 6 khiến nhiều lao động tự do mất việc làm. Gia đình ông Trần Văn Hòa (57 tuổi), trú thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa có 6 người, cuộc sống trông chờ vào tiền công từ nghề bốc vác của ông.

Hơn 2 tháng qua, dịch bệnh kéo dài, thành phố Tuy Hòa thực hiện giãn cách xã hội, không thể đi làm được, cuộc sống của gia đình ông Hòa đã khó càng thêm khó hơn.

Vừa qua, ông Trần Văn Hòa được cán bộ xã Bình Ngọc hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ về hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ông Hòa làm ngay nhưng đã một tháng qua vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

“Tôi đi bốc vác để kiếm sống mà 2 tháng nay nghỉ dịch không làm gì được gì hết. Được cán bộ xã hướng dẫn làm hồ sơ nhận trợ cấp, nhưng tôi làm xong và nộp từ lâu mà tới nay vẫn chưa nhận được”, ông Trần Văn Hòa cho biết.

Tuyên truyền vận động người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch trong khu phong tỏa.

Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa cho biết, địa phương đã tuyên truyền Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến với người dân.

UBND xã cử cán bộ phối hợp với các hội, đoàn thể từng thôn chủ động hướng dẫn người dân thuộc các đối tượng hỗ trợ làm hồ sơ. Đến nay, UBND xã Bình Ngọc đã xét duyệt 72 hồ sơ thuộc hộ kinh doanh cá thể và người lao động tự do mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và gửi về UBND thành phố Tuy Hòa tổng hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, UBND xã Bình Ngọc sẽ tiếp tục xét duyệt danh sách những đối tượng còn lại và trình cấp trên để bà con sớm nhận hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

“Tỉnh Phú Yên giãn đã cách xã hội 2 tháng, bà con mất việc làm nhiều. Cấp trên cần quan tâm, sớm hỗ trợ về cho bà con nhân dân được yên tâm cùng với Đảng, Nhà nước chung tay phòng chống dịch”, bà Huyền cho hay.

Tổ hậu cần phân loại hàng hóa để đưa vào khu phong tỏa thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa.

Tỉnh Phú Yên có khoảng 22.000 người sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đến ngày 24/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho gần 3.500 người, số tiền hơn 7,2 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên mới thẩm tra hồ sơ, thủ tục của các địa phương, đơn vị và lập thủ tục trình UBND tỉnh được 590 đối tượng, số tiền đề nghị hơn 1.2 tỷ đồng.

Như vậy, số lượng hồ sơ tiếp nhận và phê duyệt các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại tỉnh Phú Yên còn rất chậm.

Ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Phú Yên thừa nhận, việc hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ chậm vì còn một số “điểm nghẽn”.

“Hiện nay tỉnh Phú Yên thực hiện Chỉ thị 15 đối với 3 địa phương gồm: huyện Tuy An, Tây Hòa và thị xã Sông Cầu. Chỉ còn 3 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cho nên tốc độ ở cơ sở làm rất nhanh. Sắp tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên sẽ tham mưu UBND tỉnh ký văn bản và cố gắng đến ngày 15/9 những hồ sơ nào đủ điều kiện phải trình cho sở để sở trình cho UBND tỉnh Phú Yên để đẩy mạnh tiến độ”, ông Võ Văn Binh thông tin.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; Đồng thời, phải thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu đói trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

“Tôi đề nghị chúng ta cần đẩy nhanh quá trình xem xét, xét duyệt danh sách của các địa phương. Không thể đổ trách nhiệm lên ngành LĐTB&XH được. Các đồng chí hãy nhớ rằng lúc người ta khó người ta mới cần, trách nhiệm này bắt đầu từ xã lên tới huyện rồi mới lên tới tỉnh. Tôi đề nghị làm gấp, nhanh và không phải chờ, được tới đâu tổng hợp gửi lên tới đấy, nếu không thì đến bao giờ người dân mới được nhận”, ông Trần Hữu Thế chỉ đạo.

Thừa Thiên Huế hỗ trợ lao động tự do tối đa 2 triệu đồng/người

Phóng viên Lê Hiếu/VOV - miền Trung thông tin, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 1/7/2021 và chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Lao động tự do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tỉnh Thừa Thiên Huế được hỗ trợ cao nhất 2 triệu đồng/người

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực, công việc thuộc nhóm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.

Các trường hợp bị ảnh hưởng do quy định để phòng chống dịch của tỉnh từ ngày 1/5-31/12/2021. Như, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch; người tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến quốc lộ 1A ở địa bàn tỉnh…

Mức hỗ trợ được tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng đối với người lao động là 1,5 triệu đồng/người/lần. Riêng đối tượng tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc Quốc lộ 1A được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/lần.

Đối với đơn vị hộ thì 1,5 triệu đồng/hộ/lần. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ dự kiến hơn 67 tỷ đồng; Thời gian thực hiện từ ngày 1/5 đến 31/12/2021.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Sau khi nghị quyết được thông qua chúng tôi đã chuẩn bị để tham mưu sớm nhất cho UBND tỉnh trong việc hướng dẫn các quy định cụ thể để địa phương trong quá trình triển khai thuận lợi hơn. Trong nghị quyết quy định khung là chính, còn tùy theo đặc thù của từng địa phương và tùy theo nguồn để làm sao đó đảm bảo vừa đứng đối tượng nhưng phải đảm bảo cho người dân khó khăn mà không dược hỗ trợ”./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/thua-thien-hue-phu-yen-ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-do-dich-covid-19-886232.vov