Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu của Việt Nam đang hướng tới, là lựa chọn khách quan khi toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19.

Các khu công nghiệp, nhà máy trong tỉnh (Thừa Thiên Huế) đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Các khu công nghiệp, nhà máy trong tỉnh (Thừa Thiên Huế) đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.

Kết nối xanh không đơn thuần là tạo mảng xanh giữa các đô thị mà là sự kết nối giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái thâm trầm của Cố đô với sôi nổi của đổi mới; phát triển trong kết nối các giá trị sinh thái thiên nhiên và nhân văn là nền tảng phát triển bền vững.

Phát triển xanh, tăng trưởng xanh

Theo Ban quản lý Khu Kinh tế-Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, các khu kinh tế-công nghiệp trên địa bàn đã thu hút 155 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 109.658 tỷ đồng; trong đó, có 34 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký khoảng 68.350 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Thời gian gần đây, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng đều qua các năm và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Riêng năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1,35 tỷ USD, tăng 69% so kế hoạch; doanh thu đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 9%; nộp ngân sách đạt 3.667,9 tỷ đồng, tăng 4%; giải quyết việc làm cho khoảng 43.150 lao động, tăng 15% so kế hoạch.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp sang dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Từ định hướng đó, Thừa Thiên Huế đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chính sách phù hợp thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Kinh tế tăng trưởng dương, đạt 4,36%, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; thu ngân sách lần đầu đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 80% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 25.500 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thừa Thiên Huế Nguyễn Ðại Vui đánh giá, những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và một số nước mới phát triển ở Ðông Á.

Theo ông Nguyễn Ðại Vui, trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện-điện tử, công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, dược, thiết bị y tế, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, công nghiệp hỗ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc), theo quy hoạch đầu tư phát triển khu công nghiệp và khu dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghệ cao. Trong đó bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao. Ở Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy), giai đoạn 1, 2, 3 và 4 đầu tư các ngành kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, cơ khí lắp ráp ô-tô, xe máy, nước giải khát; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may. Tại các khu công nghiệp khác như Tứ Hạ, Phong Ðiền, La Sơn, Phú Ða… ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm theo đúng chức năng chính của từng khu công nghiệp.

Các nhà chuyên môn cho rằng, lợi ích khi mỗi nhà máy tham gia vào khu công nghiệp thân thiện môi trường không chỉ về mặt môi trường mà còn đáp ứng về mặt kinh tế và xã hội. Những lợi ích mà từng nhà máy nhận được còn đóng góp cho lợi ích của công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Vì với mô hình phát triển khu công nghiệp thân thiện môi trường sẽ càng tạo ấn tượng tốt đối với các nhà đầu tư, tạo được tính cạnh tranh với những khu công nghiệp đang xây dựng và chưa được lấp đầy. Ðây còn là "chứng nhận môi trường", tạo uy tín cho khu công nghiệp và giúp các nhà máy mở rộng thị trường, nhất là trong xu hướng toàn thế giới đang "chuộng" và hướng đến nền công nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Mặc dù mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường vẫn chưa được định hình trên địa bàn, song lợi thế của Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp này là đã xác định rõ quan điểm chấp nhận đầu tư về chủ trương, chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp; kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ưu tiên các dự án chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường, hạn chế cấp mới và giảm dần công suất các dự án chế biến, xuất khẩu thô nguồn nguyên liệu.

Cần sự bứt phá

Trong quá trình phát triển, Thừa Thiên Huế cũng gặp không ít khó khăn trong việc tạo bứt phá về phát triển kinh tế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ðây chính là mâu thuẫn nội tại trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Song kết quả đáng mừng là Thừa Thiên Huế bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản văn hóa; giữ được môi trường xanh-sạch-đẹp; chất lượng cuộc sống và môi trường sống được nâng lên rõ rệt.

Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển cũng như giữa phát triển nhanh và bền vững là một thách thức to lớn đối với Thừa Thiên Huế. Kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường"; trọng tâm là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng "đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh".

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, cho rằng: đô thị Thừa Thiên Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình-sông, núi, gò đồi, đầm phá, biển, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng: "Huế là một Kinh thành - một Kinh đô và nay là một Thành phố di sản văn hóa thế giới". Vì vậy, để xây dựng và phát triển đô thị Huế, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát nhau, có cư dân thành thị đông đúc và nhiều nhà máy. Quá trình đô thị hóa ở một số nước trên thế giới đã cho thấy bài học nhãn tiền về ô nhiễm môi trường, khói bụi và ách tắc giao thông.

Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình "Ðô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh" sẽ giúp giảm áp lực về giao thông; về ô nhiễm môi trường sống, đất ở đô thị và các hệ lụy khác về xã hội. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh; khuyến khích nhân dân phát triển "vườn trong nhà, nhà trong vườn", hướng đến xây dựng thành phố vườn. Ðó là thành phố có môi trường thân thiện, xã hội hài hòa, văn hóa phong phú, nhân dân hạnh phúc.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương, phát triển du lịch, dịch vụ thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Huế là vùng đất có hai di sản văn hóa thế giới; có nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, cùng với văn hóa ẩm thực, kiến trúc, y phục cổ truyền và nhiều làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; nhiều di tích lịch sử, cách mạng; kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên; môi trường sống trong lành, an toàn và thân thiện. Huế có đủ điều kiện để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế gắn với phát triển du lịch; xem đây là đột phá để tái cơ cấu mô hình tăng trưởng bền vững.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030 nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị trên địa bàn. Trong đó, sẽ ưu tiên lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện các mô hình phát triển đô thị thông minh; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn xây dựng và phát triển đô thị.

Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm. Hiện tỉnh đang hỗ trợ cho Nhà máy Kanglongda tại Khu công nghiệp Phong Ðiền xử lý nước tuần hoàn không thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái. Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Hằng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện như: tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom,…

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với những khó khăn, thách thức trong biến đổi khí hậu cho thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; đồng thời là động lực để thúc đẩy phát triển. Hơn lúc nào hết, cần sự đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinhte/thua-thien-hue-phat-trien-theo-huong-tang-truong-xanh-692916/