Thừa Thiên - Huế nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, trở thành một trong những tỉnh tốp đầu của cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để xây dựng chính quyền điện tử, Thừa Thiên - Huế triển khai bốn thành phần quan trọng là cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Tỉnh triển khai mô hình mà tất cả các giao dịch hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng, trong đó bao gồm cả việc nộp phí, lệ phí. Công dân, tổ chức, doanh nghiệp đều được sử dụng mọi dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên hệ thống. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 700 dịch vụ công trực tuyến với hơn 3.500 tài khoản người dùng đăng ký và hơn 3.000 thủ tục đăng ký trực tuyến. Hình thức thanh toán trực tuyến cũng được đưa vào triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai đề án thành lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Đến nay, đã có ba đơn vị chính thức khai trương và đi vào hoạt động: Trung tâm hành chính công thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang. Trung tâm hành chính công là nơi duy nhất tiếp nhận và phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp thông tin, dịch vụ về các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện thông qua hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Các lĩnh vực thủ tục hành chính giao dịch tại trung tâm hành chính công sẽ được công khai, minh bạch theo quy định trên trang thông tin điện tử của trung tâm, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin về các thủ tục hành chính, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tiến tới thực hiện giao dịch trên môi trường mạng.

Tỉnh đang chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thực hiện xây dựng, triển khai có hiệu quả chính quyền điện tử trên cơ sở quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

* Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 60 nghìn lao động nông thôn, trong đó hơn 80% số lao động có việc làm sau khi được đào tạo.

Khắc phục tình trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tràn lan, hiệu quả không cao trước đây, những năm gần đây, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương và nhu cầu học nghề của người lao động, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai quyết định mở lớp đào tạo tập trung, đào tạo nghề phù hợp.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32563102-thua-thien-hue-no-luc-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu.html